Hiện thực hóa trung tâm dược liệu vùng Đông Bắc

Phát huy những điều kiện thuận lợi, tiềm năng, lợi thế vốn có, Quảng Ninh đã và đang đạt được những thành tựu ban đầu rất khả quan trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của cây dược liệu.

Bảo tồn và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu

Quảng Ninh được đánh giá cao khi là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc tổ chức thành công việc điều tra tổng thể tài nguyên cây thuốc trên địa bàn. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện đang có 948 loài cây thuốc thuộc 182 họ, 561 chi khác nhau, trong đó có rất nhiều loài là dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, như: Ba kích, trà hoa vàng, hồi, quế, kim ngân… Tận dụng những tiềm năng, lợi thế to lớn đó, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã chủ trì, đi đầu triển khai nhiều giải pháp để phát triển cây dược liệu một cách bền vững. Cùng với việc điều tra tổng thể, ngành Y tế tỉnh cũng đang bắt tay vào thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành dược Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Hình thành vùng bảo tồn, phát triển cây dược liệu tập trung tại Vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử và Thung lũng dược liệu xanh Ngọa Vân – Yên Tử; ứng dụng mạnh thành tựu KHCN vào việc trồng và chế biến cây dược liệu, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm và thương hiệu dược liệu Quảng Ninh; ban hành Quy hoạch phát triển cây dược liệu Quảng Ninh…

Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm và kiểm tra vùng chuyên canh dược liệu của Công ty TNHH Tùng Thắng (huyện Bình Liêu)
Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, kiểm tra vùng chuyên canh dược liệu của Công ty TNHH Tùng Thắng (huyện Bình Liêu).

Việc bảo tồn nguồn gen, bộ gen và cung cấp nguồn giống chất lượng tốt của cây dược liệu cũng là vấn đề rất được quan tâm, chú trọng. Hiện nay, các địa điểm, như: Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng (huyện Hoành Bồ), rừng quốc gia Yên Tử, vườn quốc gia Bái Tử Long… đã sưu tầm và bảo tồn hơn 700 loài dược liệu đặc hữu vùng Đông Bắc, như: Ba kích, kim ngân, trà hoa vàng, nghệ, sa nhân, riềng, gừng… Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để tạo ra các giống cây dược liệu có chất lượng cao, đưa vào sản xuất đại trà đã được thực hiện thành công, tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi khép kín, nâng cao giá trị cây dược liệu của Quảng Ninh.

Thời gian qua, tỉnh cũng đã chủ động ban hành và triển khai một số chính sách riêng tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp nói chung và dược liệu nói riêng. Các chính sách đặc thù với những ưu đãi lớn về vốn, thuế, mặt bằng, giống, KHKT… đã khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào phát triển trồng, chăm sóc, chế biến, kinh doanh cây dược liệu trên địa bàn. Đặc biệt, với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, Quảng Ninh đã hoàn thiện được nhiều vùng sản xuất tập trung các cây dược liệu quý, như: 4.600ha hồi, 3.000ha quế, 322ha ba kích, 120ha trà hoa vàng, cùng gần 200ha trồng các loại cây dược liệu khác.

Bước tiến lớn trong sản xuất, kinh doanh

Bước tiến đáng kể nhất trong việc phát triển sản phẩm từ cây dược liệu ở Quảng Ninh phải kể đến việc xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy Sản xuất thuốc từ dược liệu đạt chuẩn GMP, GLP và GSP – WHO của Công ty CP Dược và Vật tư y tế Quảng Ninh. Chính thức vận hành từ tháng 11/2015, đến nay, Nhà máy đã sản xuất thành công hơn 30 sản phẩm, như: Mẫu sinh đường, Hoạt huyết dưỡng não – QN, HABI – QN… Nổi bật trong đó, sản phẩm thực phẩm chức năng HABI – QN từ hàu biển Quảng Ninh của Công ty đã xuất sắc đạt giải thưởng vàng vì sức khoẻ cộng đồng năm 2015. Ngoài ra, nhiều cơ sở sơ chế, chế biến, sản xuất các sản phẩm từ dược liệu khác đã và đang hình thành, phát triển với quy mô ngày càng lớn, như: Công ty TNHH trồng, chế biến và sản xuất dược liệu Đông Bắc, HTX Nông dược xanh Tinh Hoa, HTX Dược liệu xanh Đông Triều, Công ty CP Lâm sản Đạp Thanh…

Dây chuyền chế biến dược liệu đồng bộ, hiện đại
Dây chuyền chế biến dược liệu đồng bộ, hiện đại tại Nhà máy Sản xuất thuốc từ dược liệu của Công ty CP Dược và Vật tư y tế Quảng Ninh.

Từ chương trình OCOP, đã có 6 doanh nghiệp, 13 HTX và một số cơ sở, hộ gia đình tham gia sản xuất các sản phẩm dược liệu. Các đơn vị đã đưa ra thị trường 70 sản phẩm dược liệu với 8 dạng bào chế: Dược liệu khô đóng gói, trà túi lọc, cao dược liệu, tinh dầu, viên nang cứng, rượu thuốc, bột thuốc và dầu xoa. Nhiều sản phẩm dược liệu đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, trở thành sản phẩm mũi nhọn của Quảng Ninh trên thị trường.

Quan trọng nhất, tỉnh đã và đang chú trọng đến việc ứng dụng thành tựu của KHCN vào chế biến sâu, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã triển khai 24 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về dược liệu, trong đó có 15 nhiệm vụ cấp tỉnh, 9 nhiệm vụ cấp cơ sở. Trong đó có nhiều đề tài chất lượng, như: Ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất sản phẩm từ ba kích tím; phát triển sản phẩm từ hàu biển; nghiên cứu cơ sở khoa học và phát triển sản phẩm từ cây trà hoa vàng… Tỉnh cũng đang xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TX Đông Triều, thành lập Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Doanh nghiệp KHCN Dược Quảng Ninh với mục tiêu đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng KHCN trong phát triển dược liệu…

Với những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận và nhiều định hướng phát triển cụ thể hướng tới sự bền vững, chất lượng trong tương lai, mục tiêu trở thành trung tâm dược liệu vùng Đông Bắc và cả nước của tỉnh chắc chắn sẽ được hiện thực hóa trong tương lai không xa.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh