OCOP Quảng Ninh: Chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế

Giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu là đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, thúc đẩy kinh tế tập thể, tư nhân, khai thác thế mạnh của các địa phương… Trong đó, 2017 được xác định là năm bản lề của giai đoạn này. Do đó, Quảng Ninh đã lựa chọn chủ đề của chương trình OCOP năm 2018 là “Phát triển sản xuất, xác định sản phẩm chủ lực OCOP”. 

Ruốc sau khi được chế biến sẽ được đóng lọ. Mỗi lọ đều được cân đo đảm bảo bảo độ chính xác tuyệt đối.
Công nhân Công ty TNHH sản xuất và thương mại thủy sản Quảng Ninh đóng gói sản phẩm ruốc hàu.

Để chương trình OCOP giai đoạn 2017-2020 đạt hiệu quả, từ tỉnh đến các địa phương đều chủ động bắt tay xây dựng Đề án OCOP Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020 phù hợp với thực tế địa phương. Đồng thời, tiến hành rà soát, xác định, lựa chọn các sản phẩm chủ lực của địa phương. Tiếp nối giai đoan 2013-2016, trong giai đoạn 2 này, bộ máy điều hành chương trình tiếp tục được kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, tập trung. Trong đó, tỉnh đã thành lập 3 tiểu ban giúp việc cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về một số lĩnh vực chuyên môn sâu, do thành viên Ban Chỉ đạo làm trưởng tiểu ban, gồm: Tiểu ban phát triển sản phẩm và phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; tiểu ban xúc tiến thương mại; tiểu ban đào tạo và truyền thông. Các địa phương cũng tiến hành kiện toàn Ban Điều hành chương trình theo hướng chuyên trách gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phân công lãnh đạo địa phương trực tiếp chỉ đạo chương trình OCOP; tổ chức kiểm điểm tiến độ thực hiện các công việc để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả chương trình.

Chuẩn hóa các sản phẩm OCOP, năm 2017, Quảng Ninh đã tiếp tục tổ chức cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm. Cuộc thi được tổ chức ở cả 2 cấp là địa phương và cấp tỉnh nhằm đánh giá một cách kỹ lưỡng, chặt chẽ, khách quan các sản phẩm. Năm nay, cuộc thi cấp tỉnh đã có 81 bộ hồ sơ sản phẩm của 47 tổ chức kinh tế tham gia dự thi cấp tỉnh thì theo kết quả đánh giá sơ bộ có 54 sản phẩm đạt từ 3- 5 sao. Bên cạnh đó, trong tổng số 81 sản phẩm dự thi có 46 sản phẩm đăng ký nâng hạng (chiếm 58,02%), số sản phẩm thi lần đầu là 34 sản phẩm (chiếm 41,98%). Như vậy, có thể thấy sản phẩm OCOP Quảng Ninh đang ngày càng được các doanh nghiệp, HTX, doanh nghiệp hoàn thiện, chuẩn hóa, nâng cấp. Song song với đó, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh cũng đã ban hành quy định quản lý, sử dụng nhãn hiệu OCOP đối với tem, nhãn các sản phẩm tham gia chương trình. Quy định này nhằm đưa nhãn hiệu OCOP Quảng Ninh trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh cũng đã phối hợp với VNPT Quảng Ninh triển khai ứng dụng tem điện tử thông minh (VNPT Check) trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP. Đến nay, một số sản phẩm đang sử dụng loại tem điện tử này, như: Miến dong Bình Liêu, mật ong Tiên Yên, ghẹ Trà Cổ… Các giải pháp nêu trên được coi là nền tảng quan trọng để các cơ sở sản xuất đi đúng hướng, chuẩn hoá sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, nâng cao năng lực hội nhập.

Khách hàng mua sắm tại Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tháng 9-2017
Khách hàng mua sắm tại Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tháng 9/2017, tại TP Hạ Long.

Xúc tiến thương mại là khâu cuối cùng trong chu trình OCOP, song lại đóng vai trò then chốt. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được của giai đoạn 2013-2016, năm nay, công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được thực hiện với nhiều đổi mới, bài bản, chuyên nghiệp, từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Tiêu biểu như Hội chợ OCOP Quảng Ninh lần thứ V/2017, hội chợ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 224 gian hàng trưng bày trên 670 sản phẩm nông sản đặc trưng của Quảng Ninh và các địa phương trên cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên Hội chợ mở rộng  các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Lào. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hội chợ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc đã thu hút đông đảo người dân và du khách như: Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm theo mô hình mỗi xã một sản phẩm – OCOP”; Hội nghị kết nối cung – cầu các sản phẩm OCOP Quảng Ninh; trưng bày triển lãm sinh vật cảnh lần thứ 3-2017; trao chứng nhận xếp hạng các sản phẩm OCOP Quảng Ninh… Cùng với đó, năm 2017, lần đầu tiên Quảng Ninh tổ chức Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP. Tại tuần kết nối, Sở Công Thương và Tập đoàn Cetral Group đã ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trong hệ thống siêu thị Big C cả nước. Đến nay, toàn tỉnh đã có 11 sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại siêu thị Big C Hạ Long như: Rau an toàn Quảng Yên, trứng gà Tân An, miến dong Bình Liêu… Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy các sản phẩm OCOP tiếp tục nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đặc biệt, từ tháng 6/2017, sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã có mặt trên sàn thương mại điện tử đặc sản Việt Nam (badasa.com.vn). Việc các sản phẩm OCOP Quảng Ninh được bày bán trên sàn thương mại điện tử, góp phần quan trọng đưa sản phẩm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước.

Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua là nền tảng vững chắc để sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiếp tục gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu…

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh