Vì mục tiêu chất lượng sản phẩm OCOP Quảng Ninh

Năm 2018 là năm thứ 2 triển khai Đề án chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2017-2020 với mục tiêu chuyển từ lượng sang chất. Trên cơ sở những kết quả đã đạt trong năm 2017, năm nay, chương trình OCOP sẽ tập trung hoàn thiện, nâng cao, kiểm soát chất lượng các sản phẩm, qua đó, góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm, từng bước tiến tới xuất khẩu.

Việc sử dụng thương hiệu OCOP trên tem nhãn sản phẩm sẽ được siết chặt trong năm 2018
Việc sử dụng thương hiệu OCOP trên tem, nhãn sản phẩm sẽ được siết chặt.

Nhằm tạo động lực phát triển sản phẩm OCOP, năm 2018, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất, các chính sách hiện hành, hiệu quả của các mô hình tương tự đã triển khai tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo OCOP sẽ tham mưu ban hành chính sách chuyên biệt hỗ trợ sản xuất cho các sản phẩm OCOP, thay thế cho việc lồng ghép các chính sách để hỗ trợ như hiện nay, thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Thực hiện mục tiêu khai thác hiệu quả thế mạnh của nông nghiệp Quảng Ninh là thủy sản, lâm, nông sản, dược liệu của chương trình OCOP giai đoạn 2017-2020, năm nay, tỉnh cũng sẽ bắt tay xây dựng đề án thung lũng dược liệu cũng như quy hoạch sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương như gà Tiên Yên, trứng vịt biển, miến dong Bình Liêu…

Để hiện thực hóa mục tiêu của chương trình OCOP năm 2018, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục chuẩn hóa sản phẩm. Do đó, ngay từ cuối năm 2017, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh đã ban hành quy định quản lý, sử dụng nhãn hiệu OCOP đối với tem, nhãn các sản phẩm tham gia chương trình. Quy định này là căn cứ để các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất OCOP hoàn thiện bao bì, nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm, đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng cho các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu OCOP, hạn chế tối đa tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Quy định trên sẽ góp phần đưa nhãn hiệu OCOP Quảng Ninh trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, tỉnh sẽ hỗ trợ, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, sử dụng các phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh sẽ nâng cao các tiêu chí của Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm theo hướng chặt chẽ hơn. Đồng thời, hoàn thiện chu trình OCOP cho phù hợp đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, hướng tới xuất khẩu. Các giải pháp nêu trên được coi là nền tảng quan trọng để các cơ sở sản xuất đi đúng hướng, từng bước chuẩn hoá sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, nâng cao năng lực hội nhập.

Song song với đó, tỉnh sẽ khuyến khích các địa phương đẩy mạnh sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn liền với du lịch như mô hình làng quê Yên Đức, thiên đường hoa Quảng La, phố đi bộ Tiên Yên, lễ hội hoa sở Bình Liêu, hội trà hoa vàng Ba Chẽ… từ đó, đưa chương trình phát triển bền vững. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo OCOP từ tỉnh đến các địa phương sẽ tập trung khảo sát thực trạng, lập kế hoạch, triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; kết nối các nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng hoàn thiện, công bố tiêu chuẩn, các thủ tục liên quan đến lưu hành sản phẩm; triển khai thanh tra, kiểm tra chất lượng.

Về xúc tiến thương mại, ngoài việc tổ chức định kỳ Hội chợ OCOP Quảng Ninh, năm nay, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP Quảng Ninh trong năm 2018 tại Trung tâm Thương mại BigC Hạ Long.

Nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại, Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm sẽ tiếp tục được tổ chức trong năm nay
Nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại, Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP sẽ tiếp tục được tổ chức trong năm nay.

Để triển khai hiệu quả chương trình OCOP, các sở, ngành và địa phương liên quan đã chủ động hoạch định các mục tiêu, xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể. Điển hình như Ba Chẽ, năm nay, huyện tiếp tục duy trì, phát triển 15 tổ chức kinh tế ổn định, trong đó duy trì, củng cố nâng cấp phát triển 8 tổ chức kinh tế hiện có và phát triển mới ít nhất 7 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. Huyện sẽ phát triển 9 sản phẩm gồm: Nước uống ba kích; mía tím cắt khúc hút chân không; gạch ngói cao cấp; thịt gia súc sạch; trứng gia cầm sạch; rượu sắn cá chảu; khoai sọ 1 củ; gạo nương; sản phẩm ẩm thực đặc hữu (bánh lá ngải, bánh cốc mò, sà phao). Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục củng cố, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng cho 9 sản phẩm OCOP đã có từ 2014-2016. Đồng thời, tập trung đầu tư để đạt tiêu chí là sản phẩm cấp tỉnh và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia đối với sản phẩm ba kích tím, trà hoa vàng.

Trên cơ sở đó, Ba Chẽ bố trí kinh phí thực hiện chương trình đảm bảo cơ chế của tỉnh; tiếp tục tổ chức các hội chợ, hội thi, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP; chuyển giao công nghệ, thiết kế mẫu mã, xây dựng, đánh giá và kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Hướng dẫn, phối hợp các địa phương, doanh nghiệp, HTX thực hiện xây dựng, quản lý thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm hàng hóa. Không chỉ mở rộng quy mô diện tích các vùng nguyên liệu, năm nay, huyện sẽ tăng cường hơn nữa việc thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm lợi thế của địa phương như: Trà hoa vàng, ba kích tím, mía tím, măng mai…

Chắc chắn rằng, với sự chủ động, tích cực, nỗ lực từ tỉnh đến các địa phương, chương trình OCOP sẽ tiếp tục gặt hái được thành công trong năm 2018, đưa các sản phẩm OCOP vươn xa tại thị trường trong nước, tiến gần tới thế giới.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh