Phát triển bền vững nghề nuôi biển: Đẩy nhanh tiến độ những hoạt động “xương sống”

Từ những chuyển động tích cực thời gian qua, giới chuyên môn cho rằng, nuôi biển Quảng Ninh tới đây còn đạt thêm những bước tiến mới, cho phép thật sự khai mở và phát triển thế mạnh kinh tế biển này.

Chuyển động tích cực

Chính thức “bắt tay” với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam từ năm 2018, đến nay Quảng Ninh đã hoàn thành việc đánh giá sức tải môi trường tại hòn Bọ Cắn (TP Cẩm Phả). Qua đây, đã giúp hòn Bọ Cắn có những thông số về quy mô, đối tượng nuôi biển có thể triển khai, lộ trình phát triển theo từng giai đoạn…, thuận lợi để đưa hòn Bọ Cắn là vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung trên biển, nằm trong quy hoạch nuôi biển của Cẩm Phả và Quảng Ninh. Từ hòn Bọ Cắn sẽ là hình mẫu trong việc tiếp tục triển khai các dự án đánh giá sức tải môi trường nuôi biển với một số vùng biển khác, nằm trong trọng điểm NTTS trên biển của tỉnh.

Năm 2019, Quảng Ninh thu hút đầu tư Công ty TNHH Thực phẩm Phúc Quang vào nghiên cứu triển khai dự án nuôi biển công nghiệp 60ha tại TP Cẩm Phả. Các đơn vị chức năng đang thẩm định các điều kiện để trình UBND tỉnh cấp phép đầu tư. Công ty hiện là doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp đầu tiên tại Quảng Ninh.

Sơ chế trai biển lấy ngọc tại vùng biển Vân Đồn.
Sơ chế trai biển lấy ngọc tại vùng biển Vân Đồn.

Thời gian gần đây, tỉnh ký kết với các trung tâm giống thủy sản lớn trong nước về cam kết cung ứng giống chất lượng cao cho Quảng Ninh… Đặc biệt, liên quan đến sử dụng vật liệu bền vững trong NTTS, ngư dân nhiều vùng biển Quảng Ninh đã được tiếp cận một số thiết bị, vật liệu, công nghệ mới về nuôi biển mới. Mô hình nuôi biển bằng vật liệu HDPE của ông Nguyễn Sĩ Bính tại đảo Phất Cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) hiện là trang trại mẫu về sử dụng vật liệu bền vững trong NTTS.

Năm 2020, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước ban hành quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi trong NTTS, buộc phải thay thế các vật liệu thiếu bền vững (phao xốp, tre nứa…) bằng vật liệu bền vững có các thông số tương đương HDPE. Giới chuyên môn cho rằng động thái này của Quảng Ninh là nền tảng tốt để NTTS tiến ra xa bờ, bởi độ bền vững của vật liệu HDPE từ 30-50 năm, gấp đến trên chục lần so với vật liệu phao xốp.

Trước đó, trên vùng Di sản Vịnh Hạ Long đã sớm hình thành các mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp phát triển du lịch, trong đó sử dụng tối đa vật liệu bền vững, thức ăn công nghiệp, kết hợp tăng gia sản lượng, trình diễn quy trình nuôi trồng và chế biến, tiêu dùng sản phẩm phục vụ du khách. Mô hình NTTS này được đánh giá đạt giá trị cao và phát triển bền vững. Cùng với đó, 2 địa phương Vân Đồn và Đầm Hà đã đạt tiến độ khá tốt trong việc quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết NTTS trên biển.

Hiện vật liệu lồng bè NTTS của Quảng Ninh chủ yếu kém bền vững, không phù hợp để nuôi biển.
Hiện vật liệu lồng bè NTTS của Quảng Ninh chủ yếu kém bền vững, không phù hợp để nuôi biển.

Để NTTS thực sự hướng ra biển

Từ những lợi thế riêng có cũng như sự quan tâm của tỉnh, tốc độ tăng trưởng, sản lượng thủy sản nuôi những năm gần đây trên địa bàn đạt cao nhất ngành kinh tế nông nghiệp, trên 10%/năm. Năm 2020, sản lượng NTTS của tỉnh đạt trên 71.000 tấn, con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, đi vào phân tích sâu, phần lớn sản lượng NTTS đến từ vùng biển ven bờ (cách bờ dưới 3 hải lý, tương đương gần 5km), chưa có sản lượng NTTS xa bờ (trên 3 hải lý).

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), ngay như việc triển khai thay thế vật liệu NTTS phao xốp bằng vật liệu bền vững tương đương HDPE hiện đang gặp những vướng mắc cần giải quyết. Giá các sản phẩm vật liệu NTTS bền vững đang cao hơn thông thường 1,5-3 lần, kéo theo suất đầu tư lớn, không phải người dân nào cũng có điều kiện thực hiện, trong khi quy định của tỉnh là buộc phải thay thế 100% trong năm 2021. Đồng thời, liên quan đến hoạt động này sẽ phát sinh vấn đề xử lý vật liệu phao xốp thải ra trong quá trình thay thế bằng vật liệu NTTS bền vững.

Sơ chế hàu tại Công ty CP Chế biến thủy sản Hạ Long.
Sơ chế hàu tại Công ty CP Chế biến thủy sản Hạ Long.

Trong các phần việc hợp tác với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nhiều hạng mục quan trọng chưa được triển khai mạnh mẽ, như việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa, tiếp cận nguồn vốn vay ODA để phát triển nuôi biển; xây dựng các mô hình nuôi biển điểm về nuôi biển công nghiệp; hoàn thiện kế hoạch phát triển nuôi biển đến 2025, tầm nhìn 2030 và đề án phát triển kinh tế thủy sản; đẩy mạnh hoạt động chế biến, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ thủy sản biển; xây dựng tiêu chí cấp phép NTTS trên biển, xác định vùng NTTS công nghiệp…

Nuôi biển Quảng Ninh đã có bước khởi động nền tảng, đúng hướng. Trong giai đoạn hiện nay và tới đây, tốc độ triển khai nuôi biển của tỉnh cần phải được tăng cao hơn, đi vào những phần việc cốt lõi, nhằm đáp ứng được mục tiêu đã đưa ra cũng như tương xứng với tiềm năng thế mạnh nuôi biển trên địa bàn. Trong lộ trình này, cần thiết phải có sự vào cuộc tích cực và hiệu quả hơn nữa của đơn vị chức năng, nhà khoa học, doanh nghiệp thủy sản và người dân.

Việt Hoa