Phát triển cây trồng lợi thế

Xây dựng và phát triển các vùng sản xuất cây trồng chủ lực, có lợi thế là một trong những mục tiêu chính của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Qua đó, nhằm đưa các giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Vụ vải chín sớm Phương Nam năm 2020 được mùa, đạt khoảng 4.000 tấn, gấp đôi so với năm trước. Ảnh: Việt Hoa
Vụ vải chín sớm Phương Nam năm 2020 được mùa, đạt khoảng 4.000 tấn, gấp đôi so với năm trước. Ảnh: Việt Hoa

5 năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích các loại cây có giá trị; duy trì tỷ lệ thích hợp các cây lương thực, nhất là cây lúa, để đảm bảo an ninh lương thực. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 4.160ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, trồng cây lâu năm hay nuôi trồng thủy sản. Từ đó, góp phần hình thành 6 vùng sản xuất tập trung trồng các loại cây chủ lực: Lúa, rau, hoa, cây ăn quả, chè, dong riềng.

Chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm chiếm phần lớn diện tích chuyển đổi, đạt khoảng 4.000ha. Một số mô hình tiêu biểu như: Trồng cây ngô cao sản, ngô sinh khối tại các huyện Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên cho lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa từ 10 triệu đồng/ha/năm; trồng cây dong riềng tại huyện Bình Liêu cho lợi nhuận cao hơn trồng lúa khoảng 25 triệu đồng/ha/năm.

Chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm chủ yếu là các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, như vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí), diện tích khoảng 970ha, thu nhập bình quân trên 270 triệu đồng/ha. Đặc biệt, đã có 4 mã số vùng trồng vải được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng xuất khẩu vào Trung Quốc. Quy hoạch các vùng cây trồng tập trung đã giúp người dân có thêm động lực để đầu tư KHCN, nâng cao chất lượng và năng suất cây trồng.

Ông Phạm Văn Tiến (phường Phương Nam, TP Uông Bí), một trong những hộ nông dân phát triển mô hình trồng vải đặc sản Phương Nam, chia sẻ: Loại nông sản này cho lợi nhuận cao. Nhiều người dân đã mạnh dạn vay vốn xây dựng, quy hoạch vườn cây kiểu mẫu; tìm hiểu, áp dụng KHCN đối với cây trồng,  tham khảo tài liệu, hướng dẫn của cơ quan nông nghiệp địa phương…

Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giảm bớt chi phí, mà còn giảm tối đa thời gian bỏ ra chăm sóc. Điều này đồng nghĩa với việc nông dân chúng tôi hoàn toàn có khả năng làm chủ trước yếu tố thời tiết, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp.

Người dân Bình Liêu chăm sóc cây dong riềng.
Người dân Bình Liêu chăm sóc cây dong riềng.

Cùng với vải chín sớm Phương Nam, một số mô hình cây trồng đã được nhân rộng, được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Có thể kể đến cây cam tại huyện Vân Đồn, TX Đông Triều, TP Hạ Long, huyện Đầm Hà; cây na tại TX Đông Triều; cây chè tại các huyện Đầm Hà, Hải Hà với tổng diện tích từ 220-970ha.

Ngoài ra, để đảm bảo an ninh lương thực, khoảng 4.370ha lúa sản xuất đã được quy hoạch tập trung tại TX Đông Triều và TX Quảng Yên, chủ yếu là các giống lúa năng suất, chất lượng cao như: RVT, Thiên ưu 08, DDT100, Đài thơm, nếp cái hoa vàng…; trong đó, có khoảng 150ha lúa được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 45ha lúa kết hợp nuôi rươi đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.060ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt các tiêu chuẩn an toàn. Đặc biệt, có 14 mã số vùng trồng cây ăn quả được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Mặc dù việc quy hoạch các loại cây chủ lực đã được triển khai và đem lại hiệu quả nhất định, tuy nhiên, việc tái cơ cấu cây trồng của tỉnh vẫn còn có những tồn tại: Việc phát triển sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ chưa trở thành phổ biến, chủ đạo; vẫn còn hiện tượng tồn đọng nông sản, “được mùa rớt giá” gây thiệt hại cho nông dân; người dân chưa mạnh dạn áp dụng KHCN để tạo được đột phá về giá trị gia tăng cho sản phẩm. Ngoài ra, công nghiệp chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất lớn.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục ban hành các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh, tích hợp các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của trung ương, của tỉnh. Đồng thời, bổ sung những nội dung mới phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp.

Sở cũng sẽ thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình dịch hại; điều tra, phát hiện, dự báo và kiểm soát tốt các đối tượng dịch hại cơ bản; chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị phân phối để đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm giá trị và tiêu thụ nông sản lâu dài cho người dân.

Hoàng Quỳnh