Phát triển nông nghiệp toàn diện

Để đạt mục tiêu năm 2023 diện tích gieo trồng 62.693ha, sản lượng lương thực 220.452 tấn, những ngày này các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tuyên truyền, vận động nông dân tích cực gieo trồng vụ Đông Xuân, tiếp tục áp dụng các giải pháp đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi.   

Nông dân xã Việt Dân (TX Đông Triều) sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu cho cây trồng. Ảnh: Minh Hà

Sở NN&PTNT hiện tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2023, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung phù hợp tín hiệu của thị trường để nâng cao giá trị sản xuất. Năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 931ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngô và rau màu các loại.

Một trong những nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp mà ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm là phát triển vùng cây ăn quả tập trung tại một số địa phương, đảm bảo an ninh lương thực; tiếp tục thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Đến thời điểm này, tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp an toàn, tập trung: 1.070ha vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP, 45ha trồng trọt hữu cơ được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ, 94ha lúa chất lượng cao Japonica và ST25, 420 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, 46 vùng trồng được cấp mã số, 6 cơ sở đóng gói quả tươi… Năm 2023 tỉnh tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng VietGAP tại khu vực miền Đông với diện tích phấn đấu 150ha.

Sở NN&PTNT cũng chủ động phối hợp với các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô chăn nuôi theo đàn, gia tăng đàn lợn, gia súc ăn cỏ, ổn định đàn gia cầm; đáp ứng nguồn cung con giống cho sản xuất để bảo đảm nhu cầu thực phẩm; đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trên vật nuôi. Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi nông hộ, áp dụng khoa học công nghệ. Năm 2022, toàn tỉnh có 29.101 con trâu, 32.532 con bò, 275.242 con lợn, 4.757.500 con gia cầm…; tổng sản lượng thịt các loại xuất chuồng 101.500 tấn, đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Người dân xã Quảng Thịnh (huyện Hải Hà) kiểm tra cây giống để trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn.

Nuôi trồng, đánh bắt thủy sản được tỉnh tiếp tục chú trọng, điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường. Năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 32.092ha, tăng 50,66% so với năm 2021; đưa sản lượng nuôi trồng đạt 87.058,6 tấn. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 17 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, đáp ứng phần lớn nhu cầu giống thủy sản trong tỉnh. Hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản được quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho ngư dân, đảm bảo chấp hành quy định của luật pháp quốc tế.

Tại các địa phương miền núi có lợi thế về rừng, phát triển rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng trồng. Năm 2022, diện tích trồng rừng tập trung đạt 13.336,3ha, trong đó trồng cây lim, giổi, lát 2.242ha, vượt so với mục tiêu tỉnh đặt ra; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 736.846m3. Năm 2023 tỉnh phấn đấu đưa diện tích trồng rừng tập trung đạt 11.640ha, trong đó trồng mới ít nhất 2.000ha cây lim, giổi, lát. Tranh thủ thời tiết mùa xuân, các địa phương đang tăng cường trồng rừng trên địa bàn.

Mô hình trồng chanh phát triển kinh tế gia đình ở xã Tân Bình (huyện Đầm Hà).

Để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, các sở, ban, ngành, địa phương chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại, xúc tiến thương mại, xuất khẩu; tháo gỡ các khó khăn về rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu… Đồng thời, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng các hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 430 HTX nông nghiệp tổng hợp, 119 tổ hợp tác, 2 liên hiệp HTX nông nghiệp, 230 trang trại; phát triển 40 liên kết theo chuỗi giá trị nông sản với 26 HTX tham gia.

Với việc triển khai nhanh chóng các giải pháp cơ cấu lại và phát triển nông nghiệp toàn diện trong năm 2023, lĩnh vực nông nghiệp sẽ đóng góp thiết thực, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó giúp chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn ngày càng nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt hơn 54,4 triệu đồng, tăng 3,6% so với năm 2021.

Cầm Khuê