Phát triển sản phẩm OCOP: Để không “đi trước nhưng về sau”

Những năm gần đây, OCOP Quảng Ninh có dấu hiệu chững lại. Ghi nhận của cơ quan chuyên môn cho thấy có nhãn hàng OCOP không có sản phẩm, hoặc số lượng sản phẩm ít ỏi, hoặc sản phẩm OCOP không đạt chuẩn về chất lượng. Số lượng sản phẩm OCOP Quảng Ninh trở thành những thương hiệu lớn, vươn xa vào thị trường nội địa cao cấp, hoặc xuất khẩu ra nước ngoài không nhiều. Đã đến lúc Quảng Ninh cần tái cơ cấu sản phẩm OCOP để không rơi vào cảnh “đi trước nhưng về sau”.

Những động thái quyết liệt

Đầu năm 2024, trên 70 sản phẩm OCOP không đủ tiêu chuẩn đã bị thu hồi sao và loại ra khỏi danh mục sản phẩm OCOP của Quảng Ninh. Các sản phẩm này hoặc là không có sản phẩm thực tế, hoặc là quá hạn mà không tiến hành đánh giá, thẩm định lại, hoặc là thay đổi về quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản đã được thẩm định, dẫn đến không đảm bảo về chất lượng… Thu hồi sao và loại khỏi danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh được cho là động thái quyết liệt, lần đầu các đơn vị chức năng Quảng Ninh triển khai, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Vùng chè Hải Hà có quá trình phát triển hơn 60 năm, diện tích khoảng 800ha, là vùng nguyên liệu tốt để hình thành các sản phẩm chè OCOP.
Vùng chè Hải Hà có quá trình phát triển hơn 60 năm, diện tích khoảng 800ha, là vùng nguyên liệu tốt để hình thành các sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP.

Hiện nay, các đơn vị chức năng đang tăng cường rà soát, thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất đối với sản phẩm OCOP, qua đó kịp thời đánh giá đúng thực tế phát triển của sản phẩm, tìm kiếm, phát hiện sản phẩm OCOP không đủ tiêu chuẩn để loại bỏ, đồng thời cũng là tạo điều kiện để sản phẩm OCOP tiềm năng phát triển.

Theo ông Nguyễn Văn Vọng, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, giai đoạn đầu của Chương trình OCOP, từ đặc thù thực tế, chúng ta ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP theo chiều ngang, chạy theo số lượng. Từng có thời điểm, các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức sản xuất và các địa phương từ cấp xã đến cấp huyện trên địa bàn tỉnh đều sôi nổi tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Số lượng sản phẩm OCOP Quảng Ninh lên đến hơn 650, với gần 400 chủ thể sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP là niềm tự hào của tỉnh.

Đến giai đoạn hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với sản phẩm OCOP phải thực sự là hàng hoá cạnh tranh trên thị trường, vì chỉ như vậy mới có thể tồn tại và phát triển. Chúng tôi đã rà soát và kiên quyết loại bỏ sản phẩm OCOP không đạt chuẩn nhằm xây dựng định hướng phát triển sản phẩm OCOP có trọng tâm, trọng điểm hơn, tạo thêm hành lang rộng mở cho các sản phẩm OCOP có tiềm năng phát triển hơn, đồng thời cũng là tạo ra động lực để những tổ chức, cá nhân thực sự tâm huyết với sản phẩm OCOP chịu đầu tư, sáng tạo, tạo ra sản phẩm OCOP thực sự ưu thế.  

Đàn gà Tiên Yên mang đặc thù giống bản địa, số lượng trên dưới 1 triệu con/năm là sản phẩm OCOP rất có tiềm năng phát triển.
Gà Tiên Yên mang đặc thù giống bản địa, số lượng khoảng 1 triệu con/năm là sản phẩm OCOP rất có tiềm năng phát triển.

Cần tái cơ cấu lại sản phẩm OCOP

Tại một cuộc họp gần đây của UBND tỉnh về kết quả phát triển sản phẩm OCOP 8 tháng năm 2024, nhiều cán bộ chuyên môn và chủ các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP của Quảng Ninh cho rằng thực tế sản phẩm OCOP trên địa bàn không cần nhiều, mà cần nhất là chất lượng. Đã đến lúc sản phẩm OCOP phải bao chứa tính hiện đại, không chỉ là những sản phẩm độc, lạ, mang tính đặc thù bản địa, mà phải là những sản phẩm quen mắt khách hàng và quen mặt trên thị trường. Sản phẩm OCOP phải được tiếp cận trên nhiều nền tảng thương mại, bao gồm nền tảng số.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghiêm Xuân Cường phân tích: Quảng Ninh cần phân loại sản phẩm OCOP theo đối tượng khách hàng và tính chất hàng hoá để có chiến lược phát triển phù hợp. Có những sản phẩm để ở trạng thái phát triển phổ thông, nhiều, nhanh, tốt, rẻ, nhưng cũng có những sản phẩm đi theo hướng hàng hiếm, rất tinh, rất quý và giá bán cao. Quảng Ninh cũng cần tính chuyện lựa chọn và đầu tư cho một số ít sản phẩm OCOP chủ lực, có dư địa phát triển, trong đó xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển những sản phẩm này về vốn, về công nghệ cũng như những hỗ trợ đặc biệt khác… Đối với nhóm sản phẩm OCOP được lựa chọn để đầu tư theo cơ chế riêng này, tiêu chí cần tính tới không phải là thứ hạng sao đặt lên hàng đầu, mà là dư địa sản xuất, dư địa tiêu thụ, đó là những sản phẩm OCOP nhất định phải có giá trị thương mại thực sự, mang lại doanh thu, lợi nhuận thật sự cho các chủ thể của sản phẩm.

Thực tế hiện nay, ngoài nhóm sản phẩm đã đạt cấp quốc gia (5 sao) là ngọc trai Hạ Long và trà hoa vàng Quy Hoa, Quảng Ninh có những nhóm sản phẩm không chỉ rất tiềm năng nâng hạng sao và đặc biệt tiềm năng để trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, trở thành sản phẩm được tiếp cận đa nền tảng và sản phẩm nằm trong lộ trình vươn tầm ra ngoài thế giới. Miến dong Bình Liêu, trà Hải Hà, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, lúa Đông Triều… là những sản phẩm như thế. Những sản phẩm này không chỉ đạt quy mô chăn nuôi, trồng trọt lớn mà còn có tính đặc thù và chất lượng đã được khẳng định. Bản thân chủ sản xuất, cũng như địa phương sở hữu những sản phẩm này đều có khát vọng và có hành động thực tế để phát triển sản phẩm.

Sản phẩm trà hoa vàng Quy Hoa hiện có bao bì, mẫu mã sản phẩm bắt mắt.
Sản phẩm trà hoa vàng Quy Hoa (huyện Hải Hà) hiện có bao bì, mẫu mã sản phẩm bắt mắt.

Đến thời điểm hiện nay, Quảng Ninh đang chính thức có 395 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 đến 5 sao. Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, con số này sẽ có những biến động trong thời gian tới, khi sản phẩm OCOP đang có sẽ tiếp tục được rà soát, đánh giá, loại ra những sản phẩm không đạt chuẩn, hoặc Quảng Ninh xuất hiện thêm những sản phẩm OCOP mới có ưu thế, đáp ứng yêu cầu của thị trường và phù hợp xu hướng phát triển.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà Nguyễn Anh Cường:

Đầm Hà xác định hướng phát triển OCOP là đi vào chất lượng và khác biệt

Xác định thế mạnh của địa phương là nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, huyện Đầm Hà hướng đến những sản phẩm nông nghiệp mới và chất lượng vượt trội, giá cả cạnh tranh. Hiện các sản phẩm dưa lưới của Đầm Hà đã được biết đến và gần đây có thêm chanh leo, một vài sản phẩm truyền thống như củ cải cũng được làm mới, đó sẽ là những sản phẩm OCOP nổi bật của địa phương.

Trên địa bàn huyện có lợi thế lớn về diện tích trồng quế, trong đó có những khu vực đang trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế theo hướng hữu cơ. Đây là nguồn nguyên liệu quý để Đầm Hà có sản phẩm OCOP quế hữu cơ, tuy số lượng không lớn nhưng có sự đặc sắc và giá trị cao, đặc biệt có tiềm năng để xuất khẩu, bởi lượng tinh dầu trong quế của Đầm Hà phù hợp với khách hàng châu Âu. Từ những thông số trên, Đầm Hà xác định hướng phát triển OCOP của mình là đi vào chất lượng, tinh và khác biệt. 

Anh Nguyễn Mạnh Thắng (Cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Phương Thuỳ, TP Uông Bí):

Chỉ khi nào thật sự đầu tư thì mới có sản phẩm OCOP bền vững, giá trị cao

 

Cơ sở sản xuất Phương Thuỳ đưa sản phẩm đông trùng hạ thảo của mình vào thị trường bắt đầu từ những mối làm ăn thân thiết là một số đơn vị ngành than. Đó là một bước đệm, hỗ trợ cơ sở rất nhiều, tuy nhiên để tồn tại và phát triển được, chúng tôi sau đó phải tự khẳng định ưu thế sản phẩm, đó là mấu chốt cốt lõi.

Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị ngành than và nhiều đơn vị khác đã trở thành khách hàng thân thiết của Cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Phương Thuỳ. Đó là do sản phẩm của chúng tôi thật sự tốt, mang lại lợi ích về sức khoẻ cho người dùng, trở thành sản phẩm dùng hằng ngày trong mỗi gia đình, cũng như là món quà quý tặng người thân, bạn bè, đối tác làm ăn. Hiện chúng tôi tự tin cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại không chỉ trên thị trường Quảng Ninh mà cả trong nước. Đây là kết quả của cả quá trình đầu tư nghiêm túc về vốn, công nghệ, sự sáng tạo cho sản phẩm, cùng với đó là chiến lược xúc tiến thương mại tiếp cận khách hàng, tiếp cận thị trường. Từ quá trình sản xuất thực tế của mình, tôi cho rằng chỉ khi nào thật sự đầu tư thì mới có sản phẩm OCOP bền vững và giá trị cao.

Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung (huyện Bình Liêu) La A Nồng:

Từng bước hiện đại hóa các khâu sản xuất

Sản phẩm miến dong của chúng tôi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Để duy trì chất lượng và hướng tới nâng hạng trong thời gian tới, chúng tôi luôn tập trung vào các yếu tố trọng tâm là: Lựa chọn vùng sản xuất nhằm có nguồn củ dong sạch; xây dựng thành công mô hình sản xuất và bảo quản bột dong theo tiêu chuẩn ATTP để có nguyên liệu sản xuất liên tục, không còn phụ thuộc vào vụ mùa thu hoạch… Đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng và bố trí thiết kế lắp đặt thiết bị, máy móc đáp ứng yêu cầu để sản xuất miến.

Chúng tôi cố gắng từng bước hiện đại hóa các khâu sản xuất, từ dây chuyền rửa và xay củ dong, đến nồi hơi hấp bột dong, máy cắt và sấy miến. Lao động tại cơ sở của chúng tôi cũng được đào tạo, tập huấn để hướng tới hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến tiêu chuẩn. Đó cũng là cách để nông sản truyền thống của đồng bào huyện Bình Liêu ngày càng tạo được thương hiệu, vị thế vững vàng trên thị trường.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên) Lục Quốc Đại:

Tuyên truyền để các chủ thể sản xuất chú trọng đến hình thức của sản phẩm

Trên địa bàn xã Hải Lạng đã có một số sản phẩm OCOP tiêu biểu, được phát triển từ những mặt hàng nông sản là lợi thế của địa phương. Tiêu biểu có thể kể đến như trứng vịt biển rừng ngập mặn, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua biển… Những năm qua, chính quyền địa phương đã đồng hành cùng các hộ dân, doanh nghiệp trong phát triển sản xuất. Đặc biệt là thường xuyên tuyên truyền để các chủ thể sản xuất hàng OCOP chú trọng đến hình thức sản phẩm.

Thực tế cho thấy, mẫu mã bao bì sản phẩm OCOP đẹp, thân thiện môi trường, ghi đầy đủ thông tin theo quy định, thể hiện được ý nghĩa, đặc trưng của sản phẩm, của chủ thể, tạo được ấn tượng và tiện lợi cho người tiêu dùng… là yếu tố quan trọng mà các ngành chức năng, người tiêu dùng quan tâm. Khi cải tiến mẫu mã bao bì, ngoài yếu tố thẩm mỹ, cần đảm bảo các nội dung như truy xuất nguồn gốc, chứng nhận đã được cấp quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp, câu chuyện sản phẩm gắn với văn hóa địa phương. Thông tin trên bao bì cũng là cách quảng bá về năng lực sản xuất, chế biến, quản lý chất lượng đồng bộ của đơn vị sản xuất.

Việt Hoa

Theo: Báo Quảng Ninh