Thời gian qua TX Quảng Yên đã tập trung triển khai nhiều giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện khuyến khích bà con nông dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ KHKT, hình thành tư duy sản xuất hiện đại, mà còn góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Chăm sóc gà lấy trứng đảm bảo theo quy trình vệ sinh tại Trang trại trứng gà Tân An (phường Tân An, TX Quảng Yên). |
Xã Tiền An là vùng chuyên canh sản xuất rau lớn của TX Quảng Yên với tổng diện tích 950ha, trong đó có 170ha trồng rau an toàn. Bà Bùi Thị Huyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiền An, cho biết: Được thị xã quy hoạch vùng rau sạch, trong quá trình sản xuất, ngay từ khi xuống giống, các hộ trong thôn được xã tuyên truyền về lợi ích của việc sản xuất thực phẩm an toàn. Các hộ cũng nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng về nông sản an toàn, đảm bảo sức khỏe, nên trong sản xuất rau đã tuân thủ đúng các quy định về việc phun thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón hóa học… Nông dân trong xã cũng được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, sử dụng phân bón, bảo vệ thực vật… đến thu hoạch bảo đảm an toàn. Vì vậy, nông dân Tiền An đã thành thạo kỹ năng sản xuất rau an toàn theo đúng quy chuẩn VietGAP. Tất cả các quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm được sự hướng dẫn, giám sát thường xuyên của cán bộ Phòng Kinh tế thị xã và Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật. Hiện nay, mỗi ngày vùng rau của xã cung ứng ra thị trường trên 20 tấn rau đảm bảo chất lượng.
Cùng với sản phẩm rau, thời gian qua các nông sản khác trên địa bàn TX Quảng Yên cũng được quản lý chặt chẽ về chất lượng. Như trong nuôi trồng thủy, hải sản, TX Quảng Yên đã quy hoạch các vùng nuôi trồng theo từng mảng, như: Vùng nuôi tôm tập trung; vùng nuôi tôm, cua, cá kết hợp (vùng nước mặn, lợ), vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt; vùng nuôi nhuyễn thể; vùng nuôi hàu; nuôi hà sú. Trong quá trình triển khai quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, thị xã đã xác định được các chương trình trọng điểm gắn với những mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn. Do vậy, công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất của thị xã được thực hiện một cách chủ động, tích cực. Hạ tầng vùng nuôi, giống và quy trình nuôi được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo chất lượng các sản phẩm.
Đơn cử như trong nuôi tôm, thị xã đã khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo các tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Khang (khu 12, phường Hà An), một trong những hộ nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, cho biết: Thực hiện tiêu chuẩn VietGAP, toàn bộ quy trình nuôi tôm của gia đình tôi được áp dụng đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định về an toàn trong lĩnh vực thủy sản, đáp ứng chất lượng xuất khẩu. Hiện nay, gia đình tôi cũng đã thực hiện việc đăng ký mã vùng nuôi trồng thủy sản theo quy định, đảm bảo cho việc truy xuất nguồn gốc, giám sát an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao chất lượng con tôm khi xuất bán ra thị trường.
Tương tự như gia đình ông Khang, thời gian qua, các hộ nuôi tôm trên địa bàn TX Quảng Yên đã đẩy mạnh việc ứng dụng KHKT trong nuôi tôm. Hiện toàn thị xã đã có trên 200 hộ tham gia đầu tư sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng VietGAP. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất tôm trên địa bàn.
Thời gian qua, việc phát triển và quản lý chặt chẽ chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn cũng được TX Quảng Yên tăng cường thực hiện. Để chuẩn hóa các sản phẩm OCOP, thị xã thường xuyên tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm theo từng năm. Theo ông Đỗ Hồng Hưng, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX Quảng Yên, thị xã chỉ đạo nghiêm các chu trình chuẩn OCOP của tỉnh đã ban hành theo đúng trình tự, từ nhận phiếu đăng ký sản phẩm; tổ chức thẩm định, phê duyệt các ý tưởng; triển khai sản xuất, hoàn thiện bao bì, nhãn mác và tổ chức tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Hiện 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện được dán tem điện tử VNPT để truy xuất nguồn gốc. Huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường hỗ trợ cho các tổ chức OCOP trong nâng cao chất lượng quản trị, duy trì sản xuất theo phương thức hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Với những ưu thế riêng của mình, các sản phẩm OCOP của Quảng Yên đều đã và đang tạo được hiệu ứng tích cực. Một số sản phẩm đã được tiêu thụ ổn định tại các siêu thị, đại lý, bếp ăn tập thể, như: Trứng gà Tân An; trứng vịt Cẩm La; rau an toàn Việt Long, rượu ba kích Thức Hoài, ruốc tép chưng thịt Long Thương, mắm chắt Phu Hiền…
Nguyễn Thanh