Tạo sức lan tỏa cho hàng Việt

Thời gian qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được triển khai sâu rộng và có chiều sâu trên địa bàn Quảng Ninh. Nhiều hoạt động, quảng bá, xúc tiến hàng Việt, hàng nội tỉnh đã được triển khai đồng loạt, góp phần tìm lại “chỗ đứng” cho các sản phẩm hàng hóa chính hãng và xây dựng hệ thống phân phối đến tận những khu vực vùng sâu, vùng xa…

Sản phẩm OCOP của huyện Bình Liêu được bày bán tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2020.
Sản phẩm OCOP của huyện Bình Liêu được bày bán tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2020.

Thực hiện cuộc vận động, hằng năm Sở Công Thương đã phối hợp với Cơ quan Khối MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh phổ biến và chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong CBCC và nhân dân. Đồng thời, vận động các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam khi thực hiện mua sắm công và trong sinh hoạt hằng ngày.

Tính riêng trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Quảng Ninh vẫn tổ chức thành công 3 hội chợ OCOP, 2 hội chợ chuyên đề quy mô cấp tỉnh, 6 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo, 4 tuần giới thiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Thực hiện thông tin cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh tham gia 22 chương trình hội chợ, triển lãm trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm “Made in Vietnam”.

Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công thương, cho biết: Thực hiện cuộc vận động, Trung tâm đã đẩy mạnh việc đa dạng hóa các hình thức kết nối tiêu thụ, phát triển thị trường và quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Ninh, sản phẩm đặc trưng của tỉnh thông qua việc hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động phát triển kinh doanh, như: Bán hàng qua Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh (www.qnitrade.gov.vn), quảng bá giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ qua cổng kết nối tiêu thụ của Bộ Công Thương, Internet, website riêng của đơn vị… Qua đó, tạo ra sự tương tác 2 chiều giữa doanh nghiệp và người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong thói quen tiêu dùng. Tại mỗi kỳ hội chợ OCOP được tổ chức, lượng khách tham quan mua sắm ngày càng tăng, doanh thu từ các mặt hàng OCOP đều đạt trung bình 8-10 tỷ đồng. Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ người dân.

Việc triển khai thực hiện cuộc vận động đã góp phần thay đổi đáng kể nhận thức, thói quen lựa chọn hàng hóa tiêu dùng của người dân, chất lượng hàng Việt dần được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu chung của người tiêu dùng, giá cả phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân…Về phía doanh nghiệp, đã mở ra cơ hội lớn để tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cũng là dịp để doanh nghiệp khẳng định vai trò, trách nhiệm và năng lực sản xuất kinh doanh của mình đối với người tiêu dùng thông qua việc đổi mới công nghệ, ứng dụng KHKT vào sản xuất để nâng cao chất lượng, uy tín thương hiệu của sản phẩm.

Nhờ sự vào cuộc của các cấp quản lý, các doanh nghiệp và đông đảo người dân, đến nay, hàng Việt Nam đang ngày càng chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Lượng hàng hóa có nguồn gốc trong nước lưu thông trên thị trường Quảng Ninh đang chiếm hơn 80% và có sức tiêu thụ khá tốt.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh được bày bán tại Hội chợ Triển lãm kích cầu tiêu dùng và Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Ninh, tháng 12/2020.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh được bày bán tại Hội chợ Triển lãm kích cầu tiêu dùng và Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Ninh, tháng 12/2020.

Dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng cuộc vận động vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong quá trình thực hiện do đặc thù, tỉnh Quảng Ninh là đầu mối thông thương với Trung Quốc, có cửa khẩu quốc tế và quốc gia nên hàng hóa của Trung Quốc dễ thâm nhập vào thị trường nội địa, nhất là hàng hóa tiêu dùng giá thành rẻ, mẫu mã hợp thị hiếu, phù hợp với phân khúc thị trường người tiêu dùng có thu nhập thấp và trung bình; tình trạng vận chuyển hàng giả, hàng cấm vẫn diễn ra khá phức tạp…dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, cũng như tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.

Ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Để cuộc vận động tiếp tục đạt kết quả cao, trong thời gian tới Sở sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong một số hoạt động trên địa bàn tỉnh, như tổ chức điều tra, khảo sát thị trường mạng lưới phân phối; tổ chức hội thảo, hội chợ, triển lãm, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tổ chức chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa…Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát tốt thị trường và chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh việc hướng dẫn người sản xuất nâng cao quy trình công nghệ trong sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị, chất lượng, xây dựng sản phẩm thương hiệu, nhằm đảm bảo cho các sản phẩm sản xuất trong nước có môi trường phát triển bền vững.

Minh Đức