Thúc đẩy nông nghiệp đô thị

Tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại các địa phương. Tận dụng tối đa diện tích, ứng dụng tiến bộ KHKT, năng suất cao, mô hình nông nghiệp đô thị được đánh giá là phù hợp với xu thế của sự phát triển. Nắm bắt thời cơ này, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đã chủ động đầu tư, xây dựng phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch với công nghệ cao theo hướng hiện đại. 

Nhân viên HTX Việt Hoàng (TP Hạ Long) sơ chế đông trùng hạ thảo.

Công ty TNHH Long Hải tại CCN Kim Sen (phường Kim Sơn, TX Đông Triều) là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc thực hiện mô hình nông nghiệp đô thị. Đơn vị đã ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nhân giống, nuôi trồng, chế biến nấm ăn và nấm dược liệu quy mô công nghiệp, an toàn, hiện đại. Trong đó, đưa vào vận hành dây chuyền tự động sản xuất nấm theo công nghệ sinh học trong nhà lạnh của Nhật Bản, qua đó kiểm soát tối ưu nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, giá trị dinh dưỡng của sản phẩm, đảm bảo VSATTP, khắc phục tính mùa vụ.

Hiện đơn vị đang sản xuất 10 loại nấm như: Nấm kim châm, nấm đùi gà và nấm trà tân… theo quy trình công nghiệp khép kín với sản lượng trên 200 tấn nấm tươi/năm. Riêng sản phẩm Nấm Việt của công ty đã có mặt tại các siêu thị lớn như: GO!, Winmart, Mega Market…

Làm nông nghiệp ở nơi tấc đất, tấc vàng, HTX Việt Hoàng (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) tận dụng tối đa diện tích của căn nhà 3 tầng để đầu tư sản xuất, chế biến, trưng bày sản phẩm đông trùng hạ thảo. Nhận chuyển giao toàn bộ kỹ thuật, quy trình, công nghệ tạo phôi giống, nuôi cấy, chăm sóc từ Trung tâm Đấu tranh sinh học (Viện Bảo vệ thực vật Trung ương), đơn vị đã tổ chức hệ thống nhà xưởng, thiết bị, máy móc cấy, nuôi, chăm sóc và phát triển các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo.

Hiện HTX Việt Hoàng là một trong số ít đơn vị tự chủ động trong việc tạo phôi giống đông trùng hạ thảo. Ngoài tiêu thụ sản phẩm ở dạng tươi và khô, HTX Việt Hoàng còn tìm hiểu, nghiên cứu, liên kết chế biến thành công nhiều sản phẩm khác từ đông trùng hạ thảo, được người tiêu dùng ưa chuộng như: Rượu, trà túi lọc, viên nang, mặt nạ… Trong đó, HTX liên kết với Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả) sản xuất 2 sản phẩm là viên nang đông trùng hạ thảo và trà đông trùng hạ thảo được xếp hạng 4 sao trong chương trình OCOP Quảng Ninh.

Chị Nguyễn Thị Trang, Giám đốc HTX Việt Hoàng, chia sẻ: Với sự phát triển của xã hội, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến bảo vệ sức khỏe. Do đó, sản phẩm đông trùng hạ thảo được nuôi dưỡng trong nhà lạnh, bằng nguồn nước sạch, dinh dưỡng chuẩn… đảm bảo cao nhất VSATTP chính là điều kiện để cơ sở sản xuất nông nghiệp phát triển được trong lòng đô thị hiện đại.

Các chất thải trong chăn nuôi gia cầm được sử dụng làm thức ăn cho giun tại trang trại Tuyết Tuyến Farm.

Giống như HTX Việt Hoàng, mô hình nuôi giun trùn quế sản xuất phân bón cho cây trồng của trang trại Tuyết Tuyến Farm (phường Hà Tu, TP Hạ Long) được đầu tư xây dựng trên cơ sở tận dụng diện tích đất hiện có. Phân giun trùn quế là loại phân hữu cơ vi sinh hoàn toàn từ thiên nhiên. Phân gà, vịt sau khi thu gom sẽ ủ khô hoặc ủ với nước 7-10 ngày thì mang cho giun trùn quế ăn. Khác với phân bò, phân gà, vịt có nhiều, do đó cần bổ sung một số loại men vi sinh, bã bia, tro xỉ để đảm bảo môi trường thuận lợi cho giun trùn quế phát triển. Cứ như vậy, sau một thời gian sẽ thu hoạch sản phẩm là phân vi sinh, tức phân của giun trùn quế.

Bên cạnh đó, giun trùn quế giàu đạm nên còn được sử dụng làm thức ăn cho gà, vịt. Từ đó, tạo thành một vòng tròn sản xuất khép kín, tận dụng tối đa các chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây cũng được xem là nguồn dinh dưỡng dài hơi cho tất cả các loại cây trồng, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp, nhất là rau củ, quả chất lượng cao, giúp cải tạo đất rất tốt. Mỗi tháng trang trại Tuyết Tuyến Farm sản xuất khoảng 15 tấn phân giun trùn quế. Trang trại còn cung cấp nhiều nông sản hữu cơ khác, như dịch giun trùn quế, đất sạch, rau hữu cơ…

Thực hiện mục tiêu phát triển đô thị đã đặt ra, các địa phương ngày càng chú trọng khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đóng vai trò dẫn dắt, nòng cốt, hạt nhân. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị các loại nông sản, tăng thu nhập cho người dân, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Cao Quỳnh