Khuyến công “chắp cánh” sản phẩm OCOP

Trang bị máy móc, thiết bị hiện đại cùng hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng… là những gì nguồn lực khuyến công đưa lại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp OCOP thiếu vốn, máy móc, công nghệ. Nguồn lực này đã phần nào giúp các đơn vị cải thiện sản lượng, chất lượng và tạo cơ hội cho sản phẩm OCOP đi xa hơn.

Theo thống kê, hiện Quảng Ninh có 502 sản phẩm OCOP của khoảng 200 doanh nghiệp. Ngoài số ít đơn vị quy mô, đầu tư bài bản, phần lớn các doanh nghiệp OCOP thuộc diện vừa và nhỏ, nguồn lực kinh tế, khoa học kỹ thuật, máy móc thiết bị còn thiếu thốn. Hơn nữa, sau khoảng 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn. Việc tái cơ cấu, đầu tư nguồn lực, hiện đại hóa thiết bị, máy móc sản xuất trở nên rất quan trọng.

“Vì thế, chương trình khuyến công chúng tôi dành ra nguồn lực đáng kể hiện đại hóa, trang bị máy móc, thiết bị mới cho các doanh nghiệp OCOP, giúp cải thiện sản xuất, nâng chất lượng, sản lượng, sức tiêu thụ cũng như sức cạnh tranh trên thị trường” – ông Vũ Bình Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương (Sở Công Thương) chia sẻ.

ff
Nguồn khuyến công giúp Công ty TNHH MTV Newstar và nhiều doanh nghiệp OCOP khác nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Thời gian qua, nguồn lực này đã mang lại kết quả thiết thực cho doanh nghiệp. Là thương hiệu có tiếng, tuy nhiên nước mắm Cái Rồng vẫn còn nhiều khâu thủ công, quy trình chiết rót chưa thực sự được hiện đại hóa. Trong 2 năm 2016 và 2018, nhờ nguồn hỗ trợ 190 triệu đồng từ quỹ khuyến công, cơ sở này đã trang bị một cụm máy lạnh đồng bộ 5HP, một bơm cánh hở, bồn Inox, hệ thống van lọc ống dẫn…

Qua đó, đã nâng cao chất lượng, năng suất, đưa doanh thu hàng năm tăng dần đạt từ 30-33 tỷ đồng/năm. Tương tự, nguồn lực hỗ trợ 100 triệu đồng từ Đề án “Đầu tư máy móc thiết bị sản xuất chế biến nông sản, dược liệu” đã giúp HTX Phát triển Đình Trung (tại Húc Động, Bình Liêu) cơ giới hóa sản xuất miến dong. Công đoạn tráng miến, rửa củ vốn phức tạp, tốn thời gian nay được cơ giới hóa bằng máy móc, giúp tăng sản lượng. Nhờ đó, doanh thu của HTX tăng dần từ 4,5-9 tỷ đồng/năm.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, đã có 39 đề án trang bị cho các cơ sở với tổng nguồn hỗ trợ tới trên 4,5 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 10 đề án hỗ trợ trang bị thiết bị, dây chuyền hiện đại hóa sản xuất, tiêu biểu được hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP. Cụ thể, như hỗ trợ máy sấy nông sản trị giá 190 triệu đồng cho HTX Phát triển xanh (Ba Chẽ), máy ép dầu thực vật trị giá 100 triệu đồng cho hộ Hoàng Văn Quý (Cẩm Phả); hiện đại hóa máy móc sản xuất đá, nước lọc ở Cô Tô, Đầm Hà, Ba Chẽ…

Giai đoạn 2021-2022, nguồn khuyến công tiếp tục thực hiện 33 đề án. Trong số này, nhiều đề án hiện đại hóa sản xuất, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, các sản phẩm OCOP, như hỗ trợ nước mắm Đại Cát (Uông Bí), sữa Đông Triều, hải sản Vân Đồn…

Khuyến công Quốc gia với nguồn đầu tư lớn còn được sử dụng, linh hoạt hỗ trợ trang bị máy móc, công nghệ hiện đại cho sản xuất sản phẩm OCOP. Theo thống kê, từ 2021 đến nay, đã có 3 đề án với nguồn hỗ trợ trên 2,6 tỷ đồng trong đó hỗ trợ nhiều sản phẩm OCOP.

Cụ thể, đó là các đề án theo nhóm thực phẩm đồ uống, trang bị hệ thống trao đổi nhiệt; xúc, rửa chiết rót sữa; rửa hàu tự động nâng sản lượng, chất lượng các sản phẩm sữa Đông Triều, nước khoáng Công đoàn Quang Hanh, ruốc hàu Vân Đồn. 9 tháng năm 2022, trong đề án sản xuất thực phẩm trị giá 1,2 tỷ đồng, đã hỗ trợ trang bị máy móc, công nghệ cho sản xuất sản phẩm OCOP thực phẩm chức năng, dược liệu Đông Bắc (Cẩm Phả), HTX Nông lâm ngư nghiệp Thái An (Móng Cái)…

faf
Kiểm tra sản phẩm mắm bào ngư Cái Rồng trước khi đưa ra thị trường.

Dù nguồn hỗ trợ chưa thực sự lớn nhưng đối với doanh nghiệp vừa, nhỏ đặc biệt đơn vị OCOP chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì nguồn lực khuyến công đã “tiếp sức” kịp thời, giúp vực dậy sản xuất.

Ông Trần Quốc Đạt, Giám đốc HTX Sản xuất nước mắm Nam Hải (Uông Bí) chia sẻ: Thiết bị hỗ trợ cô đạm từ nguồn khuyến công giúp chúng tôi cải thiện rõ chất lượng sản phẩm mắm, khép kín dây chuyền, đảm bảo vệ sinh. Thời gian tới, ứng dụng công nghệ này giúp sản phẩm mắm Đại Cát có thể nâng độ đạm lên 32%, thậm chí đạt tới 50%, từ đó có cơ hội đưa sản phẩm đi xa hơn.

Tuy nhiên, hiện nguồn lực khuyến công còn hạn chế, số doanh nghiệp OCOP nhận được hỗ trợ chưa nhiều. Việc lập kế hoạch xin hỗ trợ nguồn lực khuyến công Quốc gia còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp để nhận được nguồn lực này, các đơn vị phải có nguồn lực đối ứng khoảng 50% nguồn hỗ trợ nên các doanh nghiệp OCOP cũng cần có sự chuẩn bị, thực lực nhất định để có thể đưa máy móc, thiết bị vào hoạt động thực tế.

Hà Phong