Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP: Đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng

Các hoạt động xúc tiến thương mại là khâu cuối cùng trong chu trình OCOP, song đây lại là khâu quan trọng để đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng, mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển chương trình. Do đó, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Các gian hàng tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2022 thu hút du khách tham quan, mua sắm.

Sức lan tỏa của Hội chợ OCOP

Hội chợ OCOP Quảng Ninh là hoạt động thường niên trong chương trình OCOP. Sau 2 năm tạm hoãn do dịch Covid-19, năm 2022, Hội chợ OCOP lại được tổ chức từ ngày 28/4 đến 3/5 tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh. Hội chợ có 227 gian hàng quảng bá, giới thiệu và bán trên 1.250 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, OCOP của hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc 42 tỉnh, thành phố trong nước. Đặc biệt, các gian hàng đều có dán mã QR cho phép người dân dễ dàng thanh toán bằng Mobile banking, trực tuyến, không dùng tiền mặt. Các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng số được triển khai tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2022 đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc mua sắm hàng hóa.

Các sản phẩm tham gia tại hội chợ lần này đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem mác, nguồn gốc rõ ràng. Trong đó, có nhiều sản phẩm xếp hạng từ 3 sao trở lên trong chương trình OCOP trong và ngoài tỉnh như: Nước mắm sá sùng, bột quế, sữa chua An Sinh, nấm Long Hải… Đáng chú ý, hội chợ đã trưng bày, giới thiệu, quảng bá đa dạng chủng loại sản phẩm, mẫu mã, bao bì từ dược liệu, đông trùng hạ thảo, hải sản… Điều này đã thu hút đông đảo người dân tới tham quan, lựa chọn, mua sắm. 

Sau 6 ngày diễn ra (từ 28/4 đến 3/5), Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2022 đã thu hút trên 45.000 lượt người dân và du khách đến tham quan, mua sắm. Doanh thu bán hàng đạt 14 tỷ đồng. Con số này đã cho thấy sức hút của kỳ hội chợ lần này, qua đó, góp phần đưa sản phẩm tới gần người dân, tìm kiếm các đối tác tiêu thụ, mở rộng kênh phân phối.

Người dân quét mã QR để thanh toán.

Theo chị Bùi Quỳnh Anh (khu 6, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long), các sản phẩm OCOP của tỉnh đều có chất lượng tốt, chủng loại đa dạng, mẫu mã hấp dẫn. Do đó, chị rất tin tưởng mua sắm các sản phẩm OCOP về cho gia đình. Đặc biệt, Hội chợ năm nay còn có đa dạng sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Giò chả Ước Lễ, bánh đậu xanh Hải Dương, bơ Đắk Lắk… giúp chị có thêm sự lựa chọn. Hội chợ là cơ hội để người dân tiếp cận các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.

Anh Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX Nông – lâm – ngư nghiệp Thái An, TP Móng Cái, cho biết: Tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2022, chúng tôi tiếp tục quảng bá các sản phẩm có chất lượng tốt nhất của HTX như khoai lang lim Móng Cái, tỏi đen, khoai lang kén… Hội chợ là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng giúp chúng tôi quảng bá sản phẩm đến với người dân, đại lý và thị trường nhanh nhất, ngắn nhất, thuận tiện nhất. Đồng thời, tạo cơ hội để HTX nắm bắt, tiếp thu, đón nhận các ý kiến từ thị trường để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, phù hợp với thị hiếu.

Đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại

Ngoài các Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP hiện có, mới đây, Công ty CP 79 Group Quảng Ninh phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã khai trương thêm 1 trung tâm tại khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long. Với diện tích khoảng 3.000m2, trung tâm trưng bày, giới thiệu, bán khoảng 100 sản phẩm OCOP của Quảng Ninh và 20 sản phẩm ở các tỉnh ngoài. Đây đều là những sản phẩm được đơn vị thu mua trực tiếp tại nơi sản xuất, có đầy đủ giấy phép, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Cùng với đó, siêu thị được xác định là kênh phân phối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mang tính chuyên nghiệp, bền vững, ổn định. Do đó, các sở, ngành và đơn vị liên quan đã tích cực triển khai các chương trình kết nối sản phẩm OCOP, nông, thủy sản của tỉnh tới các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, đề nghị các siêu thị hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP, nông, thủy sản vào tiêu thụ tại điểm kinh doanh của đơn vị; hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất hoàn thiện các thủ tục theo quy định; thường xuyên trao đổi để thống nhất phương thức hợp tác. Đến nay, toàn tỉnh có 54 sản phẩm OCOP được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị. Trong đó, tại GO! Hạ Long là 29 sản phẩm; MM Mega Market 11 sản phẩm; Aloha 15 sản phẩm; Vinmart 1 sản phẩm; chuỗi cửa hàng Vinmart+ 6 sản phẩm. 

Sản phẩm của Công ty TNHH MTV Newstar được bày bán tại sàn thương mại điện tử shopee.

Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như: Hội chợ, triển lãm… các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, tỉnh đã triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành và địa phương khuyến khích đơn vị sản xuất tham gia giao dịch trực tuyến, tăng cường triển khai ứng dụng thanh toán trên nền tảng di động phục vụ hoạt động thương mại điện tử, hỗ trợ cơ sở sản xuất ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng nông nghiệp. Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn đơn vị sản xuất để đảm bảo 100% sản phẩm OCOP được dán tem truy xuất nguồn gốc, bố trí kinh phí triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển thương mại điện tử quy mô cấp tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm. 

Đặc biệt, trong Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2022, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất không chỉ được bán trực tiếp tại hội chợ, mà được hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh và một số sàn thương mại điện tử trong nước khác tại khu gian hàng thương mại điện tử và giải pháp số.

Trong khuôn khổ của hội chợ, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ tham gia thương mại điện tử. Tại hội nghị, các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn, Tiki.vn, Công ty TNHH Recess – Lazada Việt Nam, Visa Việt Nam đã chia sẻ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phân phối sản phẩm, thanh toán số, tài chính số… từ đó, kết nối quảng bá, tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm trên sàn, tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy mạnh mẽ chương trình OCOP.

Ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc:

Tổ chức thường xuyên Hội chợ OCOP với quy mô phù hợp

Chúng tôi tham gia bày bán, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh ngay từ lần đầu tiên vào năm 2015. Hội chợ là cơ hội không chỉ đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, mà còn tiếp thu những đánh giá khách quan từ thị trường, đối tác, người dân để nâng cao hơn nữa chất lượng.

Vì thế, chúng tôi hy vọng Hội chợ OCOP sẽ được tổ chức thường xuyên hơn nữa với quy mô phù hợp nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phan Nguyễn Việt Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Trà hoa vàng Quảng Ninh:

Hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiếp cận vốn ưu đãi

Chúng tôi hiện đang liên kết để chế biến, phát triển, tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng với các dòng sản phẩm như: Trà hoa, trà lá, trà nhúng, bánh trung thu, bánh quy… Tuy nhiên, một trong những khó khăn để phát triển sản phẩm, tiêu thụ, thị trường… đó là vốn, vì phần lớn vốn đầu tư hiện nay là vốn tự có.

Do đó, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành và địa phương quan tâm hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi để đầu tư công nghệ, hướng tới sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Bà Cao Hồng Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Newstar:

Có giải pháp để cơ sở sản xuất tiếp cận, bán hàng trên sàn thương mại điện tử

Hiện chúng tôi đã có nhiều sản phẩm như muối tôm sấy, nước mắm sá sùng… được bày bán trên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Voso… Thực tế đã chứng minh, thương mại điện tử là kênh quảng bá, tiếp thị và bán hàng hiệu quả, tiện lợi, nhanh chóng. Thêm vào đó, việc tương tác với khách hàng thuận tiện, chi phí bán hàng thấp, thị trường đa dạng.

Chúng tôi mong muốn tỉnh và các sở, ngành, địa phương có các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dễ dàng tiếp cận, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Trang, Giám đốc HTX Việt Hoàng:

Cần có chiến dịch truyền thông để quảng bá bài bản

Hiện nay, phần lớn đông trùng hạ thảo và sản phẩm chế biến từ đông trùng hạ thảo như trà, rượu… được tiêu thụ rất tốt trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn đưa sản phẩm này đến với thị trường ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Để làm được điều này, công tác truyền thông là rất quan trọng.

Do đó, chúng tôi mong muốn các sở, ngành và địa phương quan tâm đến việc hỗ trợ chúng tôi nói riêng và các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP nói chung thực hiện chiến dịch truyền thông để quảng bá bài bản, chuyên nghiệp và rộng khắp, nhất là tại các điểm tham quan, khu du lịch, khu vực công cộng.

Cao Quỳnh