Nâng tầm các sản phẩm OCOP

Ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản xuất chính là giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thiện tiêu chuẩn, nâng tầm sản phẩm OCOP địa phương.

Dây chuyền chế biến chè theo công nghệ mới của Cơ sở sản xuất chè Dũng Nga (xã Quảng Long, huyện Hải Hà).

Quảng Ninh hiện có hơn 500 sản phẩm OCOP, trong đó có 267 sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao. Toàn tỉnh có 31 điểm, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Những năm qua, nhờ ứng dụng công nghệ vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ, nhiều nông sản chủ lực của tỉnh được mở rộng quy mô, nâng cao năng suất và chất lượng.

Chè Hải Hà là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh hiện được định hướng xây dựng trở thành sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Thời gian gần đây, chính quyền và các hộ sản xuất chè huyện Hải Hà đã dành nguồn lực nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều công nghệ mới trong các khâu thu hái, sao, sấy, chế biến, đóng gói chè… được các cơ sở áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.

Điển hình như Cơ sở sản xuất chè Thuấn Quỳnh đầu tư hệ thống sao chè bằng công nghệ khí gas; Cơ sở sản xuất chè Dũng Nga đầu tư mới dây chuyền chế biến, đóng gói thành phẩm hiện đại… Hằng năm, huyện Hải Hà bố trí kinh phí hỗ trợ nâng cấp nhà xưởng, đầu tư dây chuyền sản xuất ở một số cơ sở để đáp ứng việc chế biến chè chất lượng cao; hỗ trợ máy móc cơ giới hoá cho nông dân thu hái, trồng chè; hỗ trợ hoàn thiện bao bì, mã số, mã vạch, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm… Nhờ đó, chè Hải Hà ngày càng tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Trung bình mỗi năm, sản lượng chè khô của huyện đạt 1.000 tấn; một phần sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường nội địa, còn lại xuất khẩu sang các nước Đông Á và Trung Đông.

Dây chuyền tự động đóng gói các sản phẩm của Công ty TNHH Nuôi trồng – Sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả). 

Nhiều sản phẩm OCOP chủ lực trên địa bàn tỉnh hiện được ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất, góp phần nâng tầm các sản phẩm trên thị trường. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Thống kê khoa học và công nghệ (Sở KH&CN), cho biết: OCOP là chương trình khởi nguồn từ Quảng Ninh, được nhân rộng ra toàn quốc. Vì vậy, việc giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh phải được quan tâm, chú trọng. Trong đó, việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm… là nội dung quan trọng, giúp xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, là yếu tố tiên quyết thúc đẩy thương mại, thị trường, khuyến khích doanh nghiệp OCOP phát triển.

Để sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp tục nâng tầm trên thị trường, các sở, ngành chức năng của tỉnh tăng cường tham mưu, chỉ đạo việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý trên cơ sở phát huy có hiệu quả phần mềm quản lý chương trình OCOP, phần mềm chấm điểm sản phẩm OCOP, Website OCOP, Kênh truyền thông YouTube OCOP Quảng Ninh… Đồng thời đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm đã có thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, học tập kinh nghiệm, tư vấn. Các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung xây dựng các dự án liên kết chuỗi đối với các sản phẩm OCOP chủ lực, đảm bảo gia tăng cao về giá trị kinh tế, phát triển thương hiệu, sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiếp tục vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước.

Minh Hà