Phát triển mạnh thương mại nội địa

Với mục tiêu phát triển hạ tầng thương mại nội địa Quảng Ninh đồng bộ, hướng tới văn minh, hiện đại, đáp ứng lưu thông hàng hóa, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Tới nay, hoạt động thương mại không chỉ phát triển nhanh về số lượng, quy mô, mà còn đa dạng về loại hình theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội ngày càng phát triển.

Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị GO! Hạ Long.

Thực tế cho thấy, hoạt động thương mại tại Quảng Ninh có nhiều thuận lợi để phát triển. Đánh giá về hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Sở Công Thương, cho biết: Thương mại nội địa có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, kết nối sản xuất và tiêu dùng, có tác động tích cực tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Việc phát triển hạ tầng thương mại đang được sự hậu thuẫn tích cực từ việc phát triển các hạ tầng giao thông đồng bộ, phát triển du lịch hiện đại, chuyển đổi số toàn diện… Hiện trên địa bàn tỉnh có 133 chợ, 27 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 120 cửa hàng tiện ích, 27 trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP. Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP cũng được tỉnh thường xuyên thực hiện qua các kỳ hội chợ, tuần giới thiệu sản phẩm, giúp đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của tỉnh ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Trong năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 135.043 tỷ đồng, tăng 4,7% cùng kỳ năm 2020; trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thì doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn, tăng 10,25% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng trong quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 17,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4%, cao hơn 3,2% so với cùng kỳ 2021 và cao hơn 3% so với kịch bản tăng trưởng.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường trong giai đoạn mới, Quảng Ninh còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Bởi nhìn trên thực tế hoạt động thương mại nội địa có sự biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; các hoạt động phát triển thương mại điện tử tuy đã phát triển nhưng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thị hiếu; nhiều người dân vẫn chưa thay đổi được thói quen mua hàng truyền thống; hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu vẫn diễn biến phức tạp…

Để có định hướng về lộ trình phát triển thương mại nội địa theo hướng hiện đại, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chiến lược phát triển thương mại nội địa tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xác định phát triển thương mại đồng bộ, đa dạng; hạ tầng thương mại được hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành; hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn được phát triển đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2022-2025, phấn đấu giá trị tăng thêm của ngành thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9-9,5%/năm và đóng góp khoảng 10-12%/năm giai đoạn 2026-2030; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15% vào kinh tế của tỉnh. Tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2022-2025 đạt tốc độ tăng bình quân 17-18%/năm; giai đoạn 2026-2030, tốc độ tăng bình quân từ 15-16%/năm. Đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm 10-20% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của tỉnh, đạt tốc độ tăng bình quân 15-20%; phấn đấu 40-50% số các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.

Sản phẩm OCOP của tỉnh bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, góp phần đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa nội địa.

Giai đoạn 2031-2045, tỉnh phấn đấu giá trị tăng thêm thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 8,5-9%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và thương mại dịch vụ đạt tốc độ tăng bình quân 12-13%/năm; đến năm 2045 kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa và 100% các hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên áp dụng công nghệ số hóa; giữ thị phần hàng Việt Nam đạt trên 80% tại các kênh phân phối trong siêu thị, trung tâm thương mại và trên 70% tại các chợ truyền thống. Cùng với đó, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ với doanh thu chiếm 15% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ kinh tế của tỉnh, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 12%/năm; 70% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước; hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa trên phạm vi toàn tỉnh; 100% các hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên áp dụng công nghệ số hóa.

Để đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa theo hướng hiện đại, các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương tập trung vào thực hiện các nhóm giải pháp nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm, gồm: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý hoạt động theo cam kết quốc tế; phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông hàng hóa với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại; phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa; phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị phần nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những đột biến bất lợi của thị trường; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh; đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước; nâng cao ý thức, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động thương mại.

Minh Đức