Tăng niềm tin, lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang dần trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc để đánh giá chất lượng, xuất xứ, độ an toàn của sản phẩm và hướng tới phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Thời gian qua, các sở, ngành liên quan đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng mã số, mã vạch, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

Người dân trực tiếp quét mã QR code, kiểm tra thông tin và nguồn gốc sản phẩm bằng điện thoại thông minh.

Từ cuối năm 2020, Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm ứng dụng mã QR đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên toàn địa bàn Quảng Ninh.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT), trong hệ thống truy xuất nguồn gốc, tem QR code là nhân tố quan trọng đóng vai trò định danh đối tượng cần truy xuất, giúp liên kết dữ liệu và truy cứu thông tin trong chuỗi cung ứng, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Để thực hiện, Chi cục đã triển khai hỗ trợ, tư vấn, sử dụng tem QR code, áp dụng giải pháp ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng tem QR code trong quản lý, nhận diện, xác định nguồn gốc thực phẩm nông sản an toàn cho các hộ sản xuất, chế biến và các doanh nghiệp sản xuất đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh.

Các sản phẩm được lựa chọn áp dụng dán tem QR code được sản xuất, kinh doanh do các cơ sở được kiểm soát đảm bảo ATTP, được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, được chứng nhận VietGAP, HACCP, sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhãn, mác hàng hóa và truy xuất nguồn gốc… Điển hình như các sản phẩm: Gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều, chè Hằng Nga, vịt trời Hải Hà, nấm kim châm Đông Triều, miến dong Bình Liêu, nước khoáng Quang Hanh…

Tới nay với nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, việc in hay dán mã QR trên sản phẩm đã trở thành khâu không thể thiếu trong quy trình sản xuất sản phẩm. Không chỉ giúp đảm bảo việc minh bạch thông tin, mà mã QR còn giúp cho các doanh nghiệp xây dựng được cơ sở pháp lý cho sản phẩm của mình, tạo dựng được sự uy tín của cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm và quảng bá thương hiệu đến với khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH Chè Hằng Nga, cho biết: Mã QR in trên bao bì sản phẩm đã thể hiện được sự chuyên nghiệp, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Từ khi dán mã QR lên sản phẩm, đơn vị đã không còn tình trạng bị sao chép hàng hóa; doanh số bán hàng từ các cửa hàng tăng lên. Đồng thời, khách hàng cũng có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi khi có nhu cầu hoặc phản ánh thông qua việc tiếp nhận thông tin qua quét mã QR trên sản phẩm.

Với các sản phẩm được có mã QR code, giờ đây, chỉ cần quét mã bằng điện thoại khi mua sản phẩm, người tiêu dùng có thể nắm được đầy đủ thông tin sản phẩm về quá trình sản xuất, ngày giờ cung ứng sản phẩm ra thị trường, độ an toàn… Qua đó, mang lại sự tiện lợi và niềm tin cho người tiêu dùng với cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm.

Chị Đào Thị Xuyến (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) chia sẻ: Khi mua hàng mà có thể kiểm tra thông tin sản phẩm qua mã QR tôi thấy rất yên tâm. Chỉ cần vài thao tác là đã có thể biết được thông tin chính xác về sản phẩm của mình lựa chọn. Bản thân tôi rất thích sử dụng các sản phẩm của Quảng Ninh, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Quét mã QR trên sản phẩm là điều kiện rất cần thiết để khách hàng yên tâm lựa chọn, tin dùng sản phẩm. Tôi mong muốn tất cả các sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh đều sẽ được dán tem QR code để đảm bảo được chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.

Giao diện website Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản http:/qn.check.net.vn.

Cùng với đó, để việc truy xuất hàng hóa được thực hiện đồng bộ, đảm bảo hơn nữa, gần đây, Sở KH&CN đã có tờ trình đề nghị Sở TT&TT thẩm định Đề cương và dự toán chi tiết hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin “Xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa tỉnh Quảng Ninh” và trình UBND tỉnh xem xét.

Khi được thông qua sẽ giúp cho việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh được thuận tiện hơn. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công cụ quản lý để phục vụ vận hành công tác truy xuất nguồn gốc các sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh đảm bảo được tích hợp, chia sẻ, kết nối với Cổng thông tin truy xuất hàng hóa sản phẩm quốc gia; đồng thời, thu hút doanh nghiệp cùng xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Tính đến nay, đã có trên 70 cơ sở, với 350 sản phẩm sử dụng mã QR thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh qua địa chỉ website: http:/qn.check.net.vn. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các sở, ngành liên quan đang tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến, tuyên truyền hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch cho các đơn vị sản xuất kinh doanh. Qua đó, giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm nội tỉnh và sớm hiện thực mục tiêu 100% doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực và các sản phẩm OCOP của tỉnh có ứng dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc.

Minh Đức