Tiên Yên tập trung cho sản phẩm OCOP chủ lực

Phát triển thêm sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh, chủ lực… là cách mà huyện Tiên Yên đang triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp OCOP vượt qua những khó khăn trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Như nhiều địa phương khác, chương trình OCOP Tiên Yên cũng gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 bởi đặc thù sản phẩm OCOP là sản phẩm nông nghiệp, thêm nữa, đa phần các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế… Vì thế, ngoài các giải pháp tiếp sức, triển khai các nghị quyết hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, Tiên Yên cũng thiết thực hỗ trợ, thúc đẩy các đơn vị doanh nghiệp OCOP bằng cách mở các lớp trang bị kiến thức; “cầm tay chỉ việc” doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở.

faf
Sản xuất kẹo lạc hồng tại  cơ sở Thanh Liên, thị trấn Tiên Yên.

Trong năm qua, huyện đã phối hợp Sở Công Thương tổ chức 1 lớp tập huấn về thực hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp OCOP “gỡ khó’’ trong xây dựng tiêu chuẩn cơ sở như hướng dẫn các chỉ tiêu cần kiểm nghiệm và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cụ thể cho các loại sản phẩm riêng biệt… Đây vốn là việc doanh nghiệp phải chủ động tiến hành. Tuy nhiên, trên thực tế không phải đơn vị, doanh nghiệp nào cũng có năng lực, nguồn lực để xây dựng nên rất cần địa phương và các sở, ngành chuyên môn phối hợp, hỗ trợ để hoàn thiện. Với cách làm này, từ năm 2021 tới nay, huyện đã hỗ trợ được 6 chủ thể tham gia chu trình OCOP triển khai.

Để thúc đẩy chương trình OCOP, huyện Tiên Yên cũng chú trọng hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng ý tưởng, phát triển sản phẩm OCOP. Tới nay, đã có 8 sản phẩm được Ban Xây dựng Nông thôn mới chấp thuận tham gia chu trình OCOP. Trong đó có 1 sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống nón tre người Dao, còn lại đa phần là sản phẩm thực phẩm. Huyện cũng đưa 15 sản phẩm thực phẩm đi thi sao, trong đó, 10 sản phẩm đánh giá phân hạng mới, 5 sản phẩm cấp lại.

Đáng chú ý là thời gian qua, huyện tập trung cho xây dựng thương hiệu, phát triển mạnh các sản phẩm thế mạnh, chủ lực như gà Tiên Yên, tôm, dược liệu… Đó là thành quả nổi bật của các chương trình OCOP gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất. Tiêu biểu nhất chính là sản phẩm gà Tiên Yên. Theo đó, sản phẩm gà thương phẩm này được chắt lọc về giống, nuôi theo hình thức chăn thả có kiểm soát phát huy hết phẩm chất vật nuôi. Ngoài ra, còn ứng dụng chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn, phun khử trùng và làm đệm lót sinh học vào chuồng trại, đồng thời liên kết theo chuỗi từ chăn nuôi tới đưa ra thị trường, tới các nhà hàng, khách sạn.

Cùng với phát triển rộng giống gà thương phẩm này, HTX Gà Tiên Yên trước đó cũng đã được thành lập với gần 400 hộ chăn nuôi. Các hộ này đã được chọn lọc và tham gia 20 mô hình chăn nuôi VietGAP làm điểm để sau đó nhân rộng. Dự kiến, năm 2022, huyện sẽ phối hợp với các ngành xây dựng Vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo phát triển bền vững, cung cấp sản phẩm chất lượng ra thị trường; hiện thực hóa mục tiêu phát triển quy mô đàn gà 1 triệu con/năm và nâng từ 4 lên 5 sao cho sản phẩm thương hiệu này.

faf
Chăn nuôi gà Tiên Yên tại xã Phong Dụ. Ảnh: Thanh Tùng

Ngoài gà, Tiên Yên cũng quan tâm, tập trung đầu tư cho hạ tầng nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng nuôi trồng thủy sản tập ở các xã Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng, Đồng Rui… Với cây dược liệu, huyện đã lập quy hoạch đến năm 2030, tổng diện tích đất trồng cây dược liệu trên 100ha, thành lập các vườn mẫu nhằm theo dõi, đánh giá chất lượng, năng suất, nhu cầu để đầu tư phát triển sâu hơn, tránh đầu tư dàn trải.

Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm xây dựng thương hiệu từ hình thức, tới các giải pháp truy xuất, kiểm soát chất lượng. Rõ nhất là, huyện đã tích cực phối hợp với các sở, ngành chuyên môn trong việc xây dựng bao bì, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng: Gà Tiên Yên, mật ong Tiên Yên, khau nhục, trứng vịt biển Đồng Rui, các sản phẩm bánh kẹo Tiên Yên… Trước đó, huyện cũng dán tem điện tử và đeo vòng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP thương hiệu, đáng kể nhất là gà Tiên Yên.

Hà Phong