Chịu ảnh hưởng mạnh bởi thời tiết, dịch bệnh, giá nhiên liệu…, 6 tháng đầu năm nay, một số chỉ tiêu nông nghiệp chưa đạt so với kịch bản tăng trưởng, trong đó có thủy sản. Ngành thủy sản đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2022.
Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng năm 2022 của tỉnh đạt 72.921 tấn, đạt 97,1% kịch bản tăng trưởng; trong đó, sản lượng khai thác 34.834 tấn, đạt 94,1% kịch bản, sản lượng nuôi trồng 38.087 tấn, đạt 100% kịch bản. Đáng chú ý, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy sản năm nay là thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường. Đến hết tháng 6, toàn tỉnh mới chuyển đổi được 89 vạn/3 triệu quả phao cần chuyển đổi.
Bên cạnh đó, cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp khai thác mất cân đối; trong đó tàu khai thác ven bờ chiếm tỷ trọng lớn. Công tác dự báo, ngư trường, nguồn lợi chưa đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất. Đầu tư cho phát triển thủy sản còn dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa cân đối đảm bảo nguồn lực ngân sách đầu tư theo mục tiêu đề ra. Công tác thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển sản xuất công nghệ cao còn hạn chế. Trình độ sản xuất thủy sản của tổ chức, cá nhân còn ở mức thấp, mang tính nhỏ lẻ, chưa gắn chặt với định hướng của thị trường. Thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do các rào cản về kỹ thuật.
Trên cơ sở nhìn nhận thực tế, 6 tháng cuối năm tỉnh phấn đấu đạt sản lượng thủy sản 84.079 tấn, trong đó khai thác 39.166 tấn, nuôi trồng 44.913 tấn. Để đạt được kết quả này, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động nắm bắt diễn biến tình hình thời tiết, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng lịch thời vụ; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng, sản xuất; giám sát hoạt động mua bán, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, phát triển bền vững.
Khai thác thế mạnh về nuôi tôm, Sở chỉ đạo đẩy mạnh nuôi tôm vụ 3; tăng cường hướng dẫn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ người nuôi giảm thất thoát trong quá trình nuôi, qua đó đảm bảo 6 tháng cuối năm sản lượng nuôi tôm theo kế hoạch đạt 12.909 tấn, cả năm đạt 25.000 tấn.
Đối với khai thác thủy sản, Sở chỉ đạo theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo ngư trường, tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, vận động viên ngư dân bám biển, chủ động sản xuất trong thời điểm thời tiết thuận lợi, tìm ngư trường tập trung thủy sản để khai thác, áp dụng kỹ thuật thủy sản để tăng năng suất, hiệu quả, giá trị khai thác, hiện đại hóa đội tàu khai thác…
Sở tham mưu triển khai có hiệu quả các giải pháp quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thiết lập tạm thời 10 điểm kiểm soát tàu cá tại các bến, cảng, khu neo đậu tránh trú bão; giao các địa phương, đơn vị đánh giá hiện trạng, đề xuất chủ trương đầu tư cảng cá loại II, loại III tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Sở tiếp tục triển khai các dự án thành lập khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần; dự án điều tra nguồn lợi thủy sản ven bờ và vùng lộng; giám sát môi trường Vịnh Hạ Long.
Nhằm thực hiện mục tiêu nuôi trồng thủy sản bền vững, Sở NN&PTNT phối hợp với đơn vị liên quan ra quân tổng lực xử lý nghiêm các trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép. Trong đó, xử lý nghiêm các đối tượng nuôi trái phép, người nuôi trồng dùng vật liệu không thân thiện môi trường, người tỉnh ngoài lấn chiếm vùng biển.
Bên cạnh đó, Sở đẩy nhanh tiến độ thay thế vật liệu nổi sử dụng nuôi biển thân thiện với môi trường theo quy chuẩn địa phương, nhất là tại khu vực vùng biển Vân Đồn, Cô Tô, Vịnh Bái Tử Long. Trong đó, đối với những trường hợp nuôi hợp pháp là những người dân sống bằng nghề nuôi biển, các địa phương đánh giá đúng hiện trạng để đề xuất với tỉnh cơ chế chính sách phù hợp nhằm bảo đảm an sinh xã hội trong quá trình chuyển đổi từ vật liệu không thân thiện với môi trường sang vật liệu thân thiện với môi trường.