Trà thảo dược xạ đen

Từ loài thảo dược xạ đen quý, Công ty TNHH Nam dược Y võ (TP Uông Bí) đã trồng thử nghiệm thành công và chế biến thành trà xạ đen. Đây là thức uống tiện lợi, có tác dụng phòng, chữa bệnh.

Lương y Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Nam dược Y võ, kể: Cơ duyên của tôi với cây thuốc xạ đen này khá tình cờ. Trước năm 2014, tôi có nghe nhiều người kể về tác dụng thần kỳ của cây xạ đen và nhu cầu của người dân về loại thảo dược này cũng đang tăng mạnh, giá bán khá đắt đỏ. Theo tìm hiểu thì xạ đen là thảo dược quý đã được khoa học chứng minh công dụng, dược tính nổi trội. Tuy nhiên, đây là một cây thuốc cần được nghiên cứu, ươm trồng và sử dụng đúng cách, có liều lượng cụ thể. Nếu sử dụng tùy tiện hoặc lạm dụng có thể gây phản tác dụng, thậm chí có hại cho người dùng. Chính vì thế, tôi đã đầu tư ươm trồng và chế biến thành thảo dược, thuận tiện cho người dùng”.

FAF
Sản phẩm trà thảo dược xạ đen được chế biến tiện lợi cho người tiêu dùng.

Theo y thư, cây xạ đen có tên khoa học là Celastrus hindsu Benth, còn được gọi là cây dây gối, quả nâu… Người dân tộc Mường gọi là “cây ung thư”. Thân cây dạng dây, dài 3-10m. Cành cây tròn, lúc non có màu xám nhạt, sau chuyển sang màu nâu, xanh. Đây là cây thuốc nam mọc tự nhiên trong các khu rừng ở nước ta nhưng nhiều và tốt nhất vẫn là ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là ở tỉnh Hòa Bình.

Hiện thực hóa ý định của mình, năm 2014, lương y Nguyễn Văn Mạnh cất công đi Hòa Bình – quê hương của cây xạ đen để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm ươm trồng. Sau đó, lương y đã mua 300 cây giống từ một hợp tác xã ươm trồng thảo dược uy tín về trồng. Nhờ có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ về thổ nhưỡng, anh đã lựa chọn vị trí trồng cây thuốc ở xã Thượng Yên Công và một phần ở phường Phương Nam (TP Uông Bí). “Cây xạ đen trồng không khó nhưng cần đúng kỹ thuật. Đó là đảm bảo khoảng cách 80cm giữa các cây, làm cỏ thường xuyên. Điều quan trọng nhất là phải canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo các tiêu chuẩn về nguồn nước sạch, phân bón hữu cơ, không dùng hóa chất…, để thu được sản phẩm đảm bảo dược tính” – lương y Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ.

Nhờ trồng đúng kỹ thuật, lương y Nguyễn Văn Mạnh đã trồng thành công trên 5.000m2cây thuốc này. Sau 3 tháng trồng, cây sinh trưởng tốt. Sau 12-15 tháng, cây trưởng thành và cho thu hoạch. “Đạt độ tuổi này, cây có dưỡng chất, dược tính cao nhất. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào mùa hè. Chúng tôi chọn thu hoạch vào sáng sớm để đảm bảo được dược tính cao trong thân và lá. Theo y thư, thu hoạch sau khi nắng lên, dưỡng chất sẽ xuống hết gốc và rễ”, lương y Nguyễn Văn Mạnh cho biết thêm.

faf
Lương y Nguyễn Văn Mạnh giới thiệu sản phẩm trà thảo dược xạ đen tại Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP Quảng Ninh, tháng 10/2017.

Xạ đen sau khi được thu hái đưa đi sơ chế, rửa sạch. Xạ đen bán dưới dạng nguyên liệu khô rất “đắt khách”. Trung bình mỗi năm, Công ty TNHH Nam dược Y võ tiêu thụ được từ 3-4 tấn sản phẩm thô. Công ty còn dùng cây xạ đen phối cùng các vị thuốc khác để chế biến thuốc giải độc rượu, giải độc gan… Ngoài ra, anh còn lựa chọn lá và 1 phần thân, thái nhỏ dạng chè rồi đem phơi 2-3 nắng hoặc sấy ở nhiệt độ khoảng 600C cho khô ráo rồi đóng gói. Theo cách này, trà thảo dược có thể bảo quản được 1-2 năm. Trà thảo dược xạ đen dễ dùng, chỉ cần hãm hoặc đun từ 5-10 phút là có thể dùng ngay được. “Đây là thức uống giải khát, đồng thời trị được các bệnh dạ dày, mề đay, đặc biệt tốt cho người nhiễm độc trong gan, hãm sự phát triển các khối u. Tuy nhiên, do có tính công phá cao nên cần sử dụng đúng liều lượng. Chúng tôi cũng hướng dẫn cụ thể chỉ nên dùng 30-50 gram/ngày, sau 2-3 tháng dùng nên tạm ngưng rồi mới sử dụng tiếp” – lương y Nguyễn Văn Mạnh giới thiệu.

Để phát huy hết tác dụng của cây thuốc quý này, thời gian tới, Công ty sẽ nghiên cứu chiết xuất cao xạ đen để tăng cường hiệu quả và tiện lợi cho người tiêu dùng.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh