Thời gian qua, huyện Ba Chẽ đã tập trung quy hoạch, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu cho trà hoa vàng… nhằm phát triển giống cây bản địa thành cây chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao.
Công nhân Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) chế biến trà hoa vàng. Ảnh: Bình Minh (CTV) |
Trước đây, cây trà hoa vàng chủ yếu mọc rải rác tự nhiên trong rừng, việc sản xuất, chế biến gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết sản phẩm hoa, lá, thân cây đều bán cho thương lái Trung Quốc ở dạng thô nên lợi nhuận kinh tế không ổn định, thiếu tính bền vững. Nhằm khai thác thế mạnh từ loài cây trồng bản địa, năm 2015, huyện Ba Chẽ bắt đầu quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu trong đó tập trung nhân rộng cây trà hoa vàng. Quy hoạch xác định đến năm 2020, toàn huyện sẽ trồng được 500ha diện tích trà hoa vàng. Đặc biệt, huyện đã định hướng xây dựng thương hiệu trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP có chỗ đứng vững trên thị trường.
Để hiện thực hóa điều này, giai đoạn 2015-2017, Ba Chẽ đã hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng cho 174 hộ tham gia vào các dự án trồng cây trà hoa vàng tập trung. Nhờ đó đến nay, Ba Chẽ trở thành địa phương có diện tích trồng trà hoa vàng lớn nhất tỉnh với hơn 140ha, tập trung nhiều ở các xã: Thanh Sơn (40,3ha), Đồn Đạc (36ha), Đạp Thanh (27,6ha)… Trong đó, diện tích đã cho thu hoạch hoa trà đạt 50ha, lá trà trên 60ha. Dự kiến năm 2018, huyện sẽ trồng thêm khoảng 100ha cây trà hoa vàng. Không chỉ mở rộng quy mô diện tích, đến nay Ba Chẽ còn thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình sản xuất và chế biến trà hoa vàng.
Sản phảm trà hoa vàng được bày bán tại các cửa hàng. |
Năm 2014, Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (xã Đạp Thanh) đã tiên phong đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến cây trà hoa vàng tại huyện Ba Chẽ. Sau hơn 3 năm đầu tư, phát triển mô hình này, đến nay doanh nghiệp đã trồng được 3ha trà hoa vàng với 10.000 gốc. Đặc biệt, Công ty còn đầu tư khu sản xuất giống trà hoa vàng, cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 cây giống/năm. Việc ứng dụng, sản xuất được cây giống đã đáp ứng phần nào nhu cầu cho các hộ tham gia trồng và phát triển cây trà hoa vàng tại địa phương. Đặc biệt, Công ty còn đầu tư xưởng chế biến, sản xuất được 3 sản phẩm OCOP từ cây trà hoa vàng: Trà túi lọc, hoa khô và lá. Trong đó, có 2 sản phẩm trà túi lọc và hoa khô được xếp hạng 4 sao.
Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh cho biết: Thực tế, qua mô hình phát triển cây trà hoa vàng tại địa phương thấy giống cây này đang có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, nhân rộng trong thời gian tới. Hiện, mẫu mã bao bì sản phẩm trà hoa vàng được huyện chú trọng hỗ trợ đầu tư; chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, địa phương còn thường xuyên xúc tiến quảng bá thương hiệu thông qua các lần hội chợ OCOP, Hội trà hoa vàng, qua đó giúp nhiều người biết đến sản phẩm này. Năm 2017, doanh thu từ trồng và chế biến cây trà hoa vàng của doanh nghiệp đạt 3 tỷ đồng (tăng 1 tỷ đồng so với năm 2016).
Trên địa bàn huyện Ba Chẽ, ngoài Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, hiện còn có 3 doanh nghiệp khác gồm: Công ty CP Phú Khang HT; Công ty CP Trà và dược liệu Ba Chẽ; Công ty CP Dược, vật tư y tế Quảng Ninh đang xúc tiến chuẩn bị đầu tư vào lĩnh vực phát triển cây trà hoa vàng. Những mô hình này đang mở ra cơ hội giúp địa phương tiến tới nhân rộng thêm diện tích cây trà hoa vàng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.
Sản phẩm hoa khô trà hoa vàng được xếp hạng 4 sao cấp tỉnh. |
Được biết, giữa tháng 1/2016, huyện Ba Chẽ đã tổ chức thành công Hội trà hoa vàng lần thứ I. Tiếp nối thành công mùa đầu tiên, từ ngày 5 đến 7/1/2018, huyện tiếp tục tổ chức Hội trà hoa vàng lần thứ II. Sự kiện nhằm quảng bá thương hiệu phát triển cây trà hoa vàng gắn với phát triển du lịch địa phương. Đây cũng là cơ hội giúp địa phương thu hút đầu tư và khuyến khích nhân dân tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất giống dược liệu trà hoa vàng trở thành cây trồng chủ lực trong ngành nông nghiệp của huyện.
Nguồn: Báo Quảng Ninh