Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành nói chung và ngành KH&CN tỉnh nói riêng. Sau thời gian nỗ lực đưa KH&CN vào hỗ trợ sản xuất, một số sản phẩm OCOP đã có những thay đổi lớn về chất và lượng.
Nước mắm Cái Rồng là một trong những sản phẩm OCOP có thương hiệu của huyện Vân Đồn bởi chất lượng và uy tín lâu năm. |
Nước mắm Cái Rồng là một trong những sản phẩm OCOP của huyện Vân Đồn bởi chất lượng và uy tín lâu năm. Với mong muốn cung cấp cho thị trường sản phẩm ngày càng tốt hơn về chất lượng, Công ty CP Thủy sản Cái Rồng vừa tiếp nhận thành công thiết bị làm tăng độ đạm cho nước mắm với Dự án “Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm Cái Rồng”. Dự án do Sở KH&CN làm chủ đầu tư, với kinh phí trên 1,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp KHCN trên 500 triệu đồng, còn lại là vốn huy động từ doanh nghiệp.
Theo đó, công nghệ này là hệ thống thiết bị cô đặc nước mắm bằng năng lượng mặt trời với công suất 3.000 lít/ngày. Đây là công nghệ nâng cao độ đạm mà không phải sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nào. Hệ thống này bao gồm: Giàn năng lượng mặt trời công suất 3.000 lít/ngày, giàn bay hơi, bể chứa nước mắm đã cô đặc bằng ximăng lát gạch men trắng, thùng cao vị cấp nước cho giàn năng lượng mặt trời bằng inox, thùng chứa nước góp sau giàn bay hơi bằng inox, bơm nước inox, bơm nước mắm, bể chứa nước mắm nguyên liệu, hệ thống ống dẫn, điện, khung giá đỡ. Với hệ thống thiết bị này, cao độ đạm của nước mắm được nâng cao bằng cách từ nước mắm có độ đạm thấp, sau khi cấp nhiệt để làm bay hơi bớt lượng nước trong dung dịch nước mắm theo nguyên lý cô đặc.
Ông Đào Đức Yêm, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cái Rồng, cho biết: Trước kia, nước mắm sau khi ủ bằng phương pháp bình thường có độ đạm từ 24-28. Nhưng nhờ hệ thống cô đặc nước mắm bằng năng lượng mặt trời thì nước mắm Cái Rồng có thể lên tới 32 đến 44 độ đạm. Đặc biệt, chúng tôi có thể chủ động tạo ra được sản phẩm nước mắm có độ đạm theo nhu cầu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Thực hiện quy trình sản xuất củ cải ăn liền tại HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn, xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà. |
Tương tự, củ cải Đầm Hà-sản phẩm OCOP của huyện Đầm Hà cũng vừa được Sở KH&CN hỗ trợ chuyển giao dây chuyền công nghệ chế biến củ cải ăn liền. Công nghệ này được chuyển giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn, xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà. Tổng vốn đầu tư trên 1,4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước 400 triệu đồng và trên 1 tỷ đồng vốn đối ứng của doanh nghiệp. Công nghệ chế biến củ cải ăn liền được chuyển giao từ Trung tâm Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Hà Nội.
Với dây chuyền công nghệ này, sản phẩm củ cải Đầm Hà khi đến tay người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay, không cần chế biến. Ông Ty Văn Bích, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn, cho biết: Như vậy, ngoài sản phẩm củ cải phên, củ cải khô thì đến nay chúng tôi đã phát triển thêm sản phẩm củ cải ăn liền. Sản phẩm này đang được chúng tôi giới thiệu và được người tiêu dùng phản hồi rất tích cực. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu để sản xuất thêm những sản phẩm mới từ củ cải Đầm Hà, nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ngoài ra, Sở KH&CN tham mưu với tỉnh thực hiện các nhiệm vụ KH&CN góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm OCOP. Tiêu biểu như các dự án: “Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh-nghiên cứu điển hình chuỗi giá trị lâm sản-dược liệu”; “Phục tráng giống lúa bao thai trên địa bàn các huyện Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ”; “Nghiên cứu các giải pháp KHCN quản lý tổng hợp sâu bệnh hại chính trên cây ba kích và giảo cổ lam tại Quảng Ninh”; “Nghiên cứu xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo giống sá sùng tại Quảng Ninh”; “Bảo tồn nguồn gen ngán trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; “Phục tráng giống cam Bản Sen tại xã Bản Sen, huyện Vân Đồn”… Song song với đó, các địa phương cũng quan tâm và có chương trình hỗ trợ cho các đơn vị tham gia chương trình OCOP trong việc thiết kế, in ấn bao bì, tuyên truyền quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Nhiều địa phương chủ động thuê đơn vị tư vấn để thiết kế logo, nhãn hàng hóa và hỗ trợ in ấn, đăng ký bảo hộ về sở hữu công nghiệp cho các cơ sở sản xuất, hộ gia đình.
Có thể khẳng định, việc ứng dụng KHCN là một trong những yếu tố then chốt giúp nông sản của tỉnh, nhất là sản phẩm OCOP ngày càng nâng cao về chất lượng và có thể cạnh tranh trên thị trường. Thời gian tới, ngành KH&CN tỉnh tiếp tục tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông, lâm, thủy sản; phấn đấu nâng cao trình độ công nghệ và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững.