Cùng với các đặc sản đặc trưng như nấm lim, mía tím, lá tắm, các loại thảo dược… của huyện Hoành Bồ tham gia chương trình OCOP, sản phẩm thịt lợn rừng được nhiều du khách biết đến bởi sự an toàn và chất lượng.
Lợn rừng Hoành Bồ được chăn thả bán tự nhiên. |
Lợn rừng được nhiều hộ dân Hoành Bồ nuôi, tập trung ở các xã: Tân Dân, Lê Lợi, Sơn Dương. Có nhiều hộ đã đầu tư cả chuồng trại nuôi tập trung lợn rừng. Hộ ông Lương Văn Tài, thôn Vườn Rậm, xã Sơn Dương, là mô hình chăn nuôi lợn rừng có tiếng ở đây. Ông Tài chia sẻ: “Trong nhiều năm qua, tôi đã chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, dê, cá và trồng vải, đào… nhưng lợi nhuận chưa cao. Vì vậy, tôi vẫn luôn trăn trở phải nuôi con gì trở thành đặc sản mới có nguồn thu nhập cao. Từ suy nghĩ đó, tôi đã đến nhiều nơi tham khảo, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại của các gia đình nuôi lợn rừng ở Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng… Năm 2011, tôi nuôi thử nghiệm lợn rừng nhưng thất bại ngay lần đầu tiên khi một con lợn cái giống bị chết, 2 con lợn cái giống còn lại mặc dù có chửa đẻ nhưng không nuôi được con. Không nản chí, tôi lại khăn gói lên đường tìm đến những nơi đã nuôi lợn rừng thành công để học hỏi kinh nghiệm. Bắt đầu từ năm 2012, tôi đã cho lợn rừng phối giống và nuôi lợn giống thành công”.
Từ năm 2013 đến nay, ông Tài đã mua thêm 4 con lợn rừng đực giống và nhân nuôi được 20 con lợn rừng cái giống. Khi đi vào trang trại của ông, phía bên phải là khu nuôi lợn rừng bố mẹ được xây theo từng ô có lưới thép B40 bao quanh. Bên trái là khu nuôi lợn rừng thương phẩm, bên trong có các hầm cho lợn ngủ đêm; tại khu nuôi lợn rừng thương phẩm có khoảng 40 – 60 con có trọng lượng 45 – 60 kg/con.
Vợ ông Tài cho lợn rừng ăn. |
Thức ăn chủ yếu của lợn rừng là các loài cỏ, sắn củ và bã đậu hoặc một số loại rau khoai, rau chuối rừng. Bên cạnh đó cần làm tốt khâu vệ sinh và phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn. Hằng năm, ông xuất bán lợn thịt với giá 200.000 đồng/kg lợn hơi và 350.000 đồng/kg lợn giống. Sau khi trừ các khoản chi phí, cho lãi 250-270 triệu đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Tài còn có tinh thần giúp đỡ nhiều hộ gia đình có nhu cầu về con giống và truyền đạt những kinh nghiệm nuôi lợn rừng của gia đình mình. Gia đình ông Tài là một trong những hộ nuôi lợn rừng tham gia chương trình OCOP của huyện với cam kết đảm bảo quy trình chăn nuôi sạch. Hiện nay, sản phẩm lợn rừng Hoành Bồ không chỉ tiêu thụ mạnh ở các chợ như chợ Sơn Dương, thị trấn Trới mà còn được các thương lái mang đi tiêu thụ tại các chợ lớn ở Quảng Ninh như chợ Trung tâm Uông Bí, chợ Hạ Long I, chợ Hạ Long II…
Sản phẩm thịt lợn rừng của Hoành Bồ thơm ngon, nạc, do được nuôi thả bán tự nhiên. Lợn rừng ăn rau, chuối rừng, chất lượng thịt tốt nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Lợn rừng không những là vật nuôi giúp người dân Hoành Bồ giảm nghèo, mà nó còn đang mở ra hướng làm ăn mới cho các hộ dân nơi đây.