Chương trình OCOP đã tác động rất lớn đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người dân các xã trên địa bàn tỉnh. Song song với đó là việc giữ thương hiệu, vì nếu để mất uy tín đồng nghĩa với hàng nghìn hộ sản xuất sẽ lao đao vì không thể tiêu thụ được sản phẩm.
Từ tháng 8/2017, Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh đã tiến hành dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP, đến nay có hơn 162.000 sản phẩm đã được dán tem. Tuy nhiên, để tránh “tem thật, hàng giả” buộc các xã và đơn vị chủ quản cũng phải vào cuộc tích cực.
Dong củ Bình Liêu được thu gom để sản xuất “Miến dong Bình Liêu” tại cơ sở của anh La A Chiu, thôn Nà Ếch, xã Húc Động, huyện Bình Liêu. |
Tem điện tử giúp người tiêu dùng có thể biết được cơ sở sản xuất, thành phần, công dụng của sản phẩm, nếu là vật nuôi thì sẽ biết được chủ nuôi, ngày, tháng vật nuôi được tiêm phòng… Tuy nhiên, khi các sản phẩm OCOP đã được dán tem, các xã cũng vẫn phải vào cuộc tuyên truyền và có hành động quyết liệt phát hiện những “con sâu làm rầu nồi canh” để báo cho các đơn vị chức năng xử lý. Còn nhớ, cuối tháng 11/2017, huyện Bình Liêu đã thu hồi nhãn hiệu “Miến dong Bình Liêu” của một cơ sở miến dong ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động, vì vi phạm uy tín, danh tiếng sản phẩm. Lý do là trước đó, Đội Quản lý thị trường số 10 phát hiện chủ cơ sở này thu mua 30,2 tấn dong củ từ huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) về để sản xuất “Miến dong Bình Liêu”. Theo quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu giấy chứng nhận “Miến dong Bình Liêu” của UBND huyện Bình Liêu, hành vi này vi phạm quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, làm tổn hại uy tín, danh tiếng của sản phẩm, nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ. Vì lý do này mà cơ sở vi phạm đã bị UBND huyện Bình Liêu đình chỉ quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Miến dong Bình Liêu” trong thời gian 1 năm mới được xem xét cấp lại, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị thu hồi vĩnh viễn.
Gà Tiên Yên được nuôi tại gia trại anh Hoàng Văn Cương, thôn Hà Giàn, xã Đông Ngũ (Tiên Yên). |
Năm nay, huyện Tiên Yên có 500 nghìn con gà được nuôi theo dự án OCOP của huyện. Tuy nhiên, với gà thì không thể dán tem mà huyện chọn giải pháp đeo nhẫn ở chân gà trước khi xuất bán. Ông Lý Văn Thắng, Phó Phòng Kinh tế huyện, cho hay: “Nếu người tiêu dùng ăn con gà nào mang nhãn mác “Gà Tiên Yên” mà chất lượng kém và nghi là nuôi tăng trọng thì chỉ cần đọc số ghi nhẫn đeo ở chân gà, báo cho nhân viên Phòng Kinh tế huyện là chúng tôi biết ngay con gà này của nhà ai, ngày bắt đầu nuôi, ngày tiêm phòng, thời gian cho ăn gạo, thời gian cho ăn ngô, thời gian xuất bán.
Từ đó, chúng tôi sẽ tìm hiểu vì sao gà không đạt chất lượng. Nếu nguyên nhân được sáng tỏ thì chúng tôi sẽ cắt luôn quyền sử dụng nhãn hiệu “Gà Tiên Yên” của gia đình đó và cũng chấm dứt luôn việc đeo nhẫn vào chân gà trước khi xuất bán, để người mua thấy gà không đeo nhẫn là biết ngay đây không phải “Gà Tiên Yên” chính hiệu. Các xã cũng tích cực tuyên truyền cho người dân khi tham gia dự án, đừng vì ham lãi mà gây tiếng xấu cho thương hiệu “Gà Tiên Yên”.
Nguồn: Báo Quảng Ninh