TX Quảng Yên: Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Chuyển đổi số để tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP là xu thế tất yếu trong nền công nghiệp 4.0 hiện nay, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn. Nhưng để sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử đòi hỏi các doanh nghiệp, hộ sản xuất phải năng động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt để khai thác tối đa tiềm năng này.

Được biết đến là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, Cơ sở sản xuất mắm tép, ruốc tép chưng thịt Long Thương nổi tiếng với 2 sản phẩm OCOP là mắm tép và ruốc tép chưng thịt, đã được xếp hạng 3 sao từ năm 2019. Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng, cơ sở chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tuyến qua website, mạng xã hội Zalo, Facebook và các sàn thương mại điện tử có đông lượng tương tác. Nhờ đó, khách hàng biết đến nhiều hơn, lượng tiêu thụ ngày càng tăng. Mỗi tháng cơ sở tiêu thụ từ 1.000-1.500 hộp mắm tép, ruốc tép qua sàn thương mại điện tử.

Chị Nguyễn Thị Thu Thương, chủ Cơ sở sản xuất mắm tép, ruốc tép chưng thịt Long Thương chia sẻ: Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, việc đưa các nông sản lên sàn giao dịch điện tử là cơ hội để chúng tôi giới thiệu bán các sản phẩm do cơ sở mình sản xuất. Qua đó, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến nhiều người hơn.

Các sản phẩm OCOP của thị xã được quảng bá và tiêu thụ trên trang thương mại điện tử PostMart.vn.
Các sản phẩm OCOP của TX Quảng Yên được quảng bá và tiêu thụ trên trang thương mại điện tử PostMart.vn.

Tham gia Chương trình OCOP từ những ngày đầu mới triển khai, Công ty Đầu tư phát triển và Thương mại Hoàng Lộc được nhiều người tiêu dùng biết đến bởi nhiều sản phẩm chất lượng, đa dạng chủng loại, trong đó có sản phẩm Chả mực Thanh Đãng được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao. Để giữ chân khách hàng, doanh nghiệp không ngừng cải tiến kỹ thuật chế biến, bảo quản, đóng gói bao bì. Có thêm kênh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử đã giúp Công ty mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều mặt hàng OCOP có thời gian bảo quản ngắn, sản xuất theo mùa vụ nên gặp những khó khăn nhất định khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Hiện doanh nghiệp vẫn đang loay hoay, lúng túng để tìm giải pháp cho việc bảo quản, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Ông Đào Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển và Thương mại Hoàng Lộc chia sẻ: Sản phẩm của Công ty là thực phẩm đông lạnh. Do đó, khó khăn rõ nhất là quá trình vận chuyển, bảo quản các sản phẩm đã chế biến, bảo quản lạnh đến tay người tiêu dùng. Các sản phẩm này rất khó vận chuyển qua đường bưu chính của các đơn vị chủ sàn thương mại điện tử.

Hợp tác xã Sản xuất thương mại tổng hợp Đức Hậu đã đưa hai sản phẩm OCOP là nem chua, nem chạo lên các sàn thương mại điện tử.
Hợp tác xã Sản xuất thương mại tổng hợp Đức Hậu đã đưa hai sản phẩm OCOP là nem chua, nem chạo lên các sàn thương mại điện tử.

Hiện TX Quảng Yên có 44 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 22 sản phẩm đạt 3 sao trở lên; 11/22 sản phẩm OCOP đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn, Portmart.vn,  Lazada, Shopee, Tiki… Để mở rộng thị trường tiêu thụ, 6 tháng đầu năm 2022, thị xã đã hỗ trợ 5 đơn vị xây dựng website quảng bá, xúc tiến thương mại, qua đó nhiều sản phẩm OCOP đã có mặt tại các thị trường trong và ngoài tỉnh, được khách hàng ưa chuộng.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND TX Quảng Yên cho biết: Việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử đang là hình thức mới đối với người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn nên việc tiếp cận, quảng bá còn gặp nhiều hạn chế và thách thức đối với địa phương. Vì vậy, bên cạnh kênh kinh doanh truyền thống, thì người dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất bắt kịp với nhu cầu thị trường, trong đó khâu bán hàng, quảng bá sản phẩm trên không gian mạng luôn được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Thời gian tới, thị xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh cải tiến mẫu mã các loại sản phẩm OCOP; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các chủ thể OCOP để đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử.

Việc tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử có rất nhiều mối quan tâm cần phải giải quyết. Và để 100% các sản phẩm OCOP của Quảng Yên đưa lên sàn thương mại điện tử, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất phải “chuyển động”, chuyển đổi số từ tư duy, nhận thức đến hành động, tạo nền tảng phát triển kinh tế số nông nghiệp bền vững, bắt kịp với xu thế của thời đại.

Nguyễn Túc – Hồng Quảng (Trung tâm TT-VH Quảng Yên)