Giữ nguyên màu sắc của cá biển tươi, trông “ngon mắt”, cá đục một nắng Cô Tô từ lâu đã được người tiêu dùng, du khách ưa chuộng. Đây là sản phẩm được chế biến hoàn toàn tự nhiên, từ nguồn hải sản phong phú và kinh nghiệm chế biến của người dân biển Cô Tô.
Cá đục một nắng của cơ sở Thanh Măng (khu 4, thị trấn Cô Tô) được bảo quản lạnh, giữ được vị tươi ngon, màu sắc bắt mắt. |
Hiện nay, cá đục một nắng Cô Tô đã được xây dựng thành sản phẩm mang thương hiệu hải sản địa phương. Giải thích về sản phẩm này, ông Bùi Thế Tuân, Phó trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Cô Tô, cho biết: Được thiên nhiên ưu đãi, Cô Tô nằm giữa ngư trường Vịnh Bắc Bộ rộng lớn đặc trưng bởi những yếu tố đặc biệt về địa lý, hải dương, khí hậu, độ mặn vùng biển nên hải sản nói chung, cá đục Cô Tô nói riêng có vị đậm đà, béo ngon hơn nhiều vùng khác. Đó chính là nguyên liệu tuyệt vời để chế biến các sản phẩm ngon.
Bà Phạm Thị Măng (khu 4, thị trấn Cô Tô), chủ cơ sở Thanh Măng, hộ có trên 10 năm chế biến cá cho rằng, với kinh nghiệm chế biến và nguồn nguyên liệu tươi ngon sẵn có là yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên sản phẩm này. Thông thường cá đục được thu mua vào vụ cuối năm (từ tháng 10 âm lịch tới tháng Giêng năm sau), thời điểm cá đục nhiều, béo và ngon hơn cả.
Để có sản phẩm cá đục một nắng ngon, người chế biến thường cẩn thận từ khâu nhập nguyên liệu ban đầu cho tới lúc chế biến. Cá thu mua phải đảm bảo tươi xanh, chọn cá có kích thước đồng đều, thân dài 15-20cm… Sau đó, cá được sơ chế ngâm muối rồi rửa sạch mang đi phơi nắng.
Cá đục một nắng được người tiêu dùng chọn mua tại Hội chợ OCOP lần thứ V năm 2017 tại TP Hạ Long. |
“Tuy nhiên, để cá thực sự giữ được vị tươi ngon, đậm đà cần phải ngâm muối đúng cách. Cá phơi dưới nắng vừa, có gió biển… hoặc mang sấy nếu nắng yếu. Cả 2 thao tác trên giúp cá đục se mình, đạt mức 50% độ ẩm, giữ được độ ngọt của cá”, bà Phạm Thị Măng chia sẻ thêm bí quyết để chế biến cá ngon.
Cá khi phơi xong được thu về đóng gói, hút chân không và bảo quản trong tủ lạnh. Nếu được bảo quản đúng cách, cá đục một nắng có thể vận chuyển đi xa, dùng trong một thời gian dài mà vẫn đảm bảo được hương vị thơm ngon vốn có. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, cơ sở sản xuất Thanh Măng còn đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm định kỳ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Được biết, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo quản sản phẩm tốt hơn, gần đây huyện Cô Tô và các hộ kinh doanh đã chủ động đầu tư hệ thống giàn phơi inox, kho lạnh, tủ bảo ôn… Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh xúc tiến, xây dựng thương hiệu riêng cho hải sản khô Cô Tô. Đây là một thuận lợi để sản phẩm mở rộng thị trường, vươn xa phục vụ người tiêu dùng.
Nguồn: Báo Quảng Ninh