Chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE: Lan tỏa từ những người tiên phong

Ông Nguyễn Sỹ Bính là một trong những người tiên phong nuôi hàu treo dây, nuôi cá lồng bè ở vùng biển Phất Cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn). Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Phất Cờ (thành lập năm 2017) – điểm sáng về thay thế vật liệu nổi đầu tiên trong tỉnh.

Gần 20 năm gắn bó với mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS), ông Bính quá rõ việc sử dụng phao xốp bất cập thế nào. Ông Bính cho biết: Phao xốp dễ tan rã, thời gian sử dụng phao ngắn, tính bền vững không cao…, nhưng ông vẫn dùng, bởi khi đó chưa có chuẩn về vật liệu nổi trong NTTS, cũng chưa sẵn vật liệu để thay thế, mà phao xốp rẻ tiền.

Năm 2019, khi những quả phao nhựa HDPE của Công ty CP Tập đoàn nhựa Super Trường Phát được giới thiệu, ông Bính đã mạnh dạn đồng ý phối hợp triển khai trên mô hình NTTS của mình. Từ chỗ được dùng phao thử nghiệm, không mất tiền, đến việc mua phao được trợ giá, rồi mua phao nguyên giá, ông Bính đều quyết tâm thay thế phao xốp bằng phao nổi HDPE.

“Phao nhựa HDPE đắt hơn phao xốp đến 3-4 lần. Người NTTS chắc chắn không ưu tiên chọn phao HDPE. Tôi cũng vậy. Nhưng nghĩ Nhà nước đã có nghiên cứu, có quy định rồi thì chắc chắn sử dụng phao nổi HDPE là phải ưu việt hơn” – Ông Bính chia sẻ.

Ông Nguyễn Sỹ Bính chăm sóc đàn cá lổng bè tại Farm NTTS Phất Cờ.
Ông Nguyễn Sỹ Bính chăm sóc đàn cá lồng bè tại Farm NTTS Phất Cờ.

Thực tế càng sử dụng phao chuẩn HDPE, ông Bính càng thấy lợi ích về hiệu quả sản xuất, môi trường, mỹ quan… Với phao nổi HDPE, ông yên tâm ngủ ngon ngay cả khi có bão gió, không lo gió bão đánh tung phao, đứt dây, đưa cả giàn bè, lồng bè ra biển như vẫn diễn ra khi sử dụng phao xốp trước đây. Đến thời điểm này, hơn 2ha nuôi hàu của ông Bính đều sử dụng phao nổi HDPE. HTX Phất Cờ với Công ty CP Tập đoàn nhựa Super Trường Phát mở rộng sản xuất theo mô hình Farm NTTS kết hợp du lịch. Mô hình Farm NTTS Phất Cờ đang là hình mẫu, hướng đi mới trong NTTS toàn tỉnh hiện nay.

Farm NTTS Phất Cờ gồm 5ha trồng rong biển, nuôi hàu, ngao, nuôi cá lồng bè. Hệ thống giàn bè, lồng bè và giao thông kết nối trên biển của mô hình đều được làm từ vật liệu HDPE. Farm NTTS Phất Cờ còn bố trí ban công, bar, phòng phục vụ du khách ăn uống, ngắm cảnh, trải nghiệm quy trình nuôi cá, thả hàu, thu hoạch rong biển… Farm NTTS Phất Cờ cũng liên kết với trên 30 hộ dân khác trong khu vực để chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE, liên kết trong sản xuất, nhằm chuẩn hóa chất lượng sản phẩm nuôi biển.

Xã đảo Bản Sen là vùng NTTS trọng điểm của huyện Vân Đồn. Người dân đảo vốn quen với biển cả, lấy NTTS làm kế sinh nhai. Những ngày đầu chính quyền vận động người dân triển khai thay thế phao xốp bằng phao nổi HDPE rất khó khăn, do nhận thức của người dân chưa cao, cùng với đó đời sống người dân còn khó khăn.

Trong tình hình đó, hộ anh Nguyễn Hữu Trọng, một hộ NTTS lâu năm của Bản Sen đã tiên phong cắt bỏ phao xốp để thay thế bằng phao nổi HDPE. Qua gần 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiếu hụt nguồn lực, anh phải thay thế từng phần, với những giàn nuôi sau thu hoạch thì thay thế toàn bộ. Trong 1 năm, trên 1ha NTTS của anh đều đã sử dụng phao nổi HDPE. “Khi mới xuống những quả phao đen (phao nổi HDPE) đầu tiên, anh em bảo phí tiền; nhưng giờ thì họ theo rồi, bởi thực tế kiểm nghiệm, quả phao đen tốt hơn phao xốp. Quan trọng là chính sách nhà nước đề ra, chính quyền thực thi rất gắt gao, nên muốn NTTS ổn định, bền vững thì phải thay thế phao xốp bằng phao nổi HDPE” – Anh Trọng cho biết.

Hiện nay trên toàn vùng biển Bản Sen, khoảng 50% số hộ NTTS đã thay thế phao xốp bằng phao nổi HDPE. Số hộ còn lại đang tích cực thay thế.

Từ những điển hình ban đầu như ông Nguyễn Sỹ Bính, anh Nguyễn Hữu Trọng… đã lan toả, thúc đẩy hoạt động thay thế phao xốp trên toàn tỉnh. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến thời điểm này gần 1,5 triệu quả phao xốp đã được thay thế bằng phao nổi HDPE, số phao xốp cần tiếp tục thay thế là gần 1 triệu quả. 100% các địa phương có biển đang tích cực triển khai, quyết tâm hoàn thành trước ngày 30/4/2023, toàn bộ vùng biển NTTS của Quảng Ninh không còn phao xốp.  

Việt Hoa