Khai thác thế mạnh về thủy sản, những năm qua, Quảng Ninh đã chú trọng chế biến các loại thủy hải sản, tăng hàm lượng KHCN, giảm sản lượng bán thô, qua đó, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Huyện Vân Đồn là một trong những địa phương xác định việc tập trung, khuyến khích phát triển các sản phẩm chủ lực, trong đó có sản phẩm thủy sản. Vì thế, huyện đã chú trọng nâng cao chất lượng, sản lượng, ổn định sản xuất, định hướng tiêu thụ cho các sản phẩm này. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã và đang đầu tư, ứng dụng KHCN trong chế biến, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.
Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) là đơn vị đã mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất trên diện tích 400m2 tại xã Đông Xá với dây chuyền máy móc hiện đại để chế biến thủy sản thô trở thành những sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của Vân Đồn như: Ruốc hàu, ruốc cơ trai, ruốc bề bề, ruốc tép, ruốc cá, ruốc ngao hai cùi. Các sản phẩm đã được cung cấp, tiêu thụ rộng rãi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hiện nay, Bavabi cũng là doanh nghiệp chế biến hải sản duy nhất của Quảng Ninh sở hữu 2 sản phẩm là ruốc hàu Thái Bình Dương và ruốc cơ trai, được chứng nhận xếp hạng OCOP 5 sao.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty Bavabi cho biết: Lợi thế của Vân Đồn là có nguồn khai thác thủy sản rất lớn, trước đây thấy bà con nuôi trồng, khai thác được nhiều loại thủy sản nhưng chỉ dừng lại mở mức tiêu thụ bình thường là các sản phẩm tươi. Những sản phẩm tươi khi đánh bắt lên mang đi tiêu thụ luôn, rất khó trong việc bảo quản và giữ độ tươi ngon. Nhận thấy điều đó, năm 2014 tôi đã thành lập Công ty Bavabi, thu mua một số loại hải sản của người dân, sau đó tập trung chế biến thành những sản phẩm khô, cung cấp thêm những sản phẩm chất lượng cao cho khách hàng. Mỗi năm, công ty thu mua khoảng 5.000 tấn thủy sản các loại, bao gồm hàu, trai, tép, ngao, cá. Nguyên liệu sau khi mua được sơ chế, chế biến theo một quy trình kiểm soát chặt chẽ, được cấp chứng nhận ISO:9000 và HACCP.
Không chỉ có Công ty Bavabi, Công ty Thủy sản Cái Rồng bằng kinh nghiệm truyền thống cũng đã thu mua sá sùng, cá mực ở dạng thô để sơ chế, sản xuất nên sản phẩm nước mắm sá sùng, nước mắm mực có giá trị kinh tế cao. Hiện 2 sản phẩm này, kết hợp với sản phẩm nước mắm truyền thống của công ty đang ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng.
Nhằm quảng bá, giới thiệu nhiều sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, TP Cẩm Phả cũng khai thác rất nhiều loại thủy, hải sản, được đánh giá cao từ quy trình sản xuất đến chất lượng sản phẩm. Cụ thể như các loại sản phẩm chế biến từ hải sản gồm ruốc từ hải sản, cá, tôm, bề bề của Cơ sở ruốc ngon sạch Thảo Nguyên (phường Cẩm Thuỷ), sản phẩm cá chim vây vàng kho của HTX Dịch vụ Nuôi trồng và Chế biến thủy hải sản Thuyền Chài (phường Cẩm Thuỷ). Đây đều là những sản phẩm tham gia chương trình OCOP và được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao vào tháng 10/2020.
Hay như các sản phẩm hải sản mát của Công ty CP Green Aquatech (phường Quang Hanh), gồm có cua lột nuôi theo công nghệ Israel và các sản phẩm hải sản mát từ cá song, bạc má, giang, hàu, chả mực, móng tay… Đây đều là các sản phẩm được chế biến, đóng gói theo công nghệ MAP của châu Âu (giữ tươi hải sản sau chế biến bằng khí car-bon và ni-tơ), đạt tiêu chuẩn cao, được đưa vào tiêu thụ các siêu thị. Công ty cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất khoảng 12 tỷ đồng, trong đó nhà xưởng rộng chừng 1.200m2, dây chuyền công nghệ là 7 tỷ đồng. Có thể nói, các sản phẩm này đều được sản xuất, chế biến theo quy trình hiện đại, chất lượng cao, góp phần phát triển mạnh thêm các sản phẩm chế biến từ hải sản mà Cẩm Phả đang triển khai.
Với nhiều sản phẩm từ thủy sản được đánh giá cao, đạt chất lượng tốt, hy vọng rằng những sản phẩm thủy sản của tỉnh sẽ tiếp tục được người tiêu dùng đón nhận, tạo điều kiện để các sản phẩm vươn xa ra thị trường quốc tế.