Sinh ra và lớn lên ở thôn Đồng Nai, xã Việt Dân (TX Đông Triều), anh Vũ Văn Ký xác định gắn bó, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Cơ ngơi hiện nay của anh Vũ Văn Ký là hơn 300 gốc bưởi Diễn, trong đó gần một nửa đã ở tuổi trưởng thành, 2 ao nuôi cá và một khu vườn hỗn hợp các loại cây giống mới. Nguồn thu của anh chủ yếu từ bưởi và cá ước khoảng 400 triệu đồng/năm, trong đó lợi nhuận chiếm 60-70% doanh thu.
Nói về cây bưởi Diễn, anh Ký cho rằng giá trị thu được sẽ ngày càng cao, bởi do đặc tính sinh trưởng của cây, số lượng và chất lượng quả vụ năm sau cao hơn năm trước, trong khi đó thời gian khai thác của cây bưởi dài. Cùng với nguồn thu từ quả bưởi, trồng bưởi Diễn còn có thể thu từ việc chiết cành để bán giống, tạo dáng để bán cây bưởi cảnh vào mỗi dịp ngày lễ tết…
Anh Vũ Văn Ký là một trong số ít người trồng bưởi Diễn đầu tiên ở Đông Triều cách đây gần 20 năm. Trước đó anh chuyên trồng lúa. Nhận thấy đồng đất Việt Dân thích hợp với nhiều loại cây ăn quả ngoài na, đặc biệt là các giống cây có múi, anh Ký đã từng bước thử nghiệm trồng giống bưởi Diễn trên đất vườn của mình. Sau những thành công ban đầu, anh đã nhân rộng ra hơn 300 gốc như hiện nay.
Nói về quá trình gắn bó với cây bưởi Diễn, anh Ký cho biết: Cùng thời trồng bưởi Diễn như tôi, không phải ai giờ cũng còn tiếp tục. Bởi giống cây này cho ra quả khá sớm, có cây trồng ở năm thứ 3 đã có quả, tuy nhiên phải sang năm thứ 8 trở đi số lượng và chất lượng quả trên mỗi cây mới đạt chuẩn. Chính bởi vậy, những năm đầu trồng bưởi Diễn, không ít người đã vội vàng phá bỏ.
Cây bưởi Diễn ưa trồng theo hướng hữu cơ, càng được sử dụng các loại phân chuồng hoại ủ thay cho phân hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật bằng tỏi, sả ngâm thay cho thuốc có nguồn gốc vô cơ thì cây lại càng tốt, xanh lá, vững cành, quả đều, đẹp, mọng nước và vị đậm đà hơn. Anh Ký đã tự học hỏi, vận dụng kinh nghiệm nhiều năm cấy trồng của mình để từng bước hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, khai thác và bảo vệ cây bưởi Diễn.
Anh Ký cùng với một số nhà vườn cây có múi khác trong thôn thành lập Tổ hợp tác cây có múi Đồng Nai, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời kết nối để tiêu thụ sản phẩm. Tổ hợp tác cây có múi thôn Đồng Nai hiện là đơn vị hoạt động sôi nổi, hiệu quả trong nhiều tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp của xã Việt Dân.
Tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê canh tác cây ăn quả trên đồng đất Việt Dân, thời gian qua, anh Vũ Văn Ký còn mạnh dạn trồng thử nghiệm một số giống cây trồng mới, tiêu biểu như cây cam Đồng Châu và cây nhãn tím. Trong đó cây cam Đồng Châu đã cho quả, chất lượng được đánh giá tương đối tốt. Riêng đối với cây nhãn tím, đây là giống cây đột biến gen từ nhãn thường, vốn có mặt tại một số nhà vườn khu vực phía Nam. Thông qua sách báo anh Ký biết đến loại nhãn này và quyết tâm đặt mua về để trồng thử nghiệm. Do được trồng, chăm sóc đúng cách, hiện các cây nhãn tím của anh Ký phát triển tốt, đang trong giai đoạn ra hoa, nếu thành công, tới đây sẽ chính thức có những chùm nhãn tím đầu tiên trên đất Quảng Ninh.
Dành tình yêu cho các mô hình canh tác nông nghiệp, anh Vũ Văn Ký đã và đang từng bước chinh phục các giống cây trồng mới trên đồng đất Việt Dân, vốn là “thủ phủ” của cây na Đông Triều. Đây cũng có lẽ là những hướng canh tác mới nhằm phát huy giá trị của đất, nâng cao đời sống gia đình anh.