Đông Triều: Nông nghiệp, nông thôn sạch

Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, TX Đông Triều luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nông nghiệp, coi đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế nói chung và phát triển một nền nông nghiệp bền vững nói riêng.

Vệ sinh môi trường nông nghiệp luôn được thực hiện thường xuyên trên địa bàn thị xã Đông Triều.
Lực lượng vũ trang Đông Triều tích cực tham gia vệ sinh môi trường nông nghiệp nông thôn trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường TX Đông Triều cho biết, Đông Triều đã triển khai và thực hiện rất nhiều chỉ thị, nghị quyết từ trung ương, đến tỉnh và thị xã về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn và gần đây nhất là Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. 

Qua đó, công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn của thị xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tiêu biểu, đã có 100% thôn có tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt và phân loại, xử lý đạt 100%; công tác phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt đạt trên 55%. Có 65% tuyến đường xã, thôn có rãnh thoát nước và được trồng cây bóng mát, cây có hoa, cây cảnh; tuyến đường kiểu mẫu được triển khai ở 100% các xã, mỗi xã có từ 5-10 tuyến đường mẫu. Trong đó xã Bình Khê có 1 tuyến đường mẫu đoạt giải đặc biệt cấp tỉnh; xã Tân Việt và xã Việt Dân mỗi xã có 1 tuyến đường mẫu đoạt giải nhất cấp tỉnh. 100% vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong vùng sản xuất tập trung được thu gom và xử lý theo quy định. 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ban đầu có hồ sơ đề án, kế hoạch, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.

Các đoàn viên thanh niên Đông Triều thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật.
Đoàn viên thanh niên Đông Triều thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật.

Đáng chú nhất là việc xử lý vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Đến nay thị xã đã lắp đặt 2.240 thùng nhựa composite tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, số lượng tiêu hủy vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng là 2.425kg. Việc hỗ trợ bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật được người dân đồng tình tham gia.

Bà Trần Thị Nhài, nông dân xã Việt Dân, chia sẻ: Mỗi hộ đều có vài mẫu đất sản xuất nên lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hàng năm rất lớn. Trước đây bà con theo thói quen cứ phun, xịt xong là cho hết vỏ bao, vỏ chai xuống đồng ruộng, sông, mương. Nhưng được cán bộ xã, thị xã tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên nên chúng tôi cũng có ý thức hơn. Đến nay hầu hết người dân đều để vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định để tiện cho việc thu gom cũng như bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn của Đông Triều còn được thể hiện qua việc thị xã quan tâm kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác tại xã Tràng Lương công suất trên 100 tấn/ngày, đóng góp quan trọng vào việc xử lý rác thải. 100% số thôn có tổ thu gom rác thải sinh hoạt bằng xe đẩy tay, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt và phân loại, xử lý đạt 100% do Công ty TNHH môi trường Hải Yến vận chuyển, xử lý đảm bảo đúng theo quy định. Công tác phân loại xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình đã đi vào nền nếp, đạt tỷ lệ trên 55%.

Năm 2022, thị xã triển khai xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tại xã An Sinh; sau khi nhà máy hoàn thành đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong việc xử lý chất thải rắn trên địa bàn thị xã.

Vườn na của gia đình ông Vũ Huy Cảnh, xã Việt Dân lắp giàn tưới nước tự động.
Vườn na của gia đình ông Vũ Huy Cảnh, xã Việt Dân, lắp giàn tưới nước tự động.

Bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng. Theo ông Phạm Văn Phong, Phó Trưởng phòng Kinh tế Đông Triều, thị xã đã tập trung chỉ đạo xây dựng nhân rộng mô hình sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ cho các sản phẩm chủ lực, gắn thiết lập đầu ra tiêu thụ sản phẩm bền vững.        

Ông Vũ Huy Cảnh, một hộ nông dân xã Việt Dân, nhận định: Mô hình sản xuất công nghệ cao không chỉ tác động tích cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, giá bán sản phẩm tăng từ 10-15% so với sản xuất thông thường, mà còn bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Vì thế gia đình tôi đã áp dụng công nghệ vào sản xuất từ nhiều năm nay như sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, trồng na theo hướng VietGAP.

Những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn nói trên chính là tiền đề quan trọng để Đông Triều tiếp tục thực hiện tốt công tác về môi trường, đặc biệt là Nghị quyết 10-NQ/TU. Từ đó góp phần xây dựng Đông Triều ngày càng xanh – sạch – đẹp, xứng tầm với môi trường của một thành phố trong tương lai không xa.  

Thanh Hằng