Với kho tàng dược liệu vô cùng phong phú và giá trị, Quảng Ninh đang nỗ lực đưa ra các giải pháp để phát triển kinh tế dược liệu. Đặc biệt, hướng đến nâng tầm sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu.
Chinh phục thị trường nước ngoài
Tháng 8/2022, tại Hội chợ thương mại Việt – Lào 2022 (Thủ đô Viêng Chăn – Lào), những đơn hàng đầu tiên của Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã đến với thị trường Lào. Với khoảng 200 sản phẩm bao gồm: Trà giảo cổ lam, trà ích huyết minh não, trà bổ gan, viên dạ dày, viên an đường, viên xương khớp… trị giá khoảng 30 triệu đồng đã được các doanh nghiệp tại Lào thu mua.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng Phòng kinh doanh, Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc, đây là những đơn hàng để doanh nghiệp nước bạn trải nghiệm và giới thiệu đến khách hàng. Đến nay, sản phẩm nhận được những phản hồi tích cực, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, đưa dược liệu Quảng Ninh đến các thị trường trong khu vực Đông Nam Á thông qua kênh mua bán online và truyền thống.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, một số thị trường như: Lào, Indonesia, Malaysia, Phillippine rất ưa chuộng sản phẩm dược liệu. Những thị trường này mới được doanh nghiệp Việt Nam sang khai thác nên còn nhiều tiềm năng, không phải cạnh tranh gay gắt như thị trường trong nước. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sản phẩm dược liệu sang các quốc gia này cũng phải tìm hiểu kỹ thị hiếu của khách hàng. Như ở Lào, người dân có nhu cầu sử dụng trà thảo mộc nhiều hơn thực phẩm chức năng. Còn ở các quốc gia như: Indonesia, Malaysia hay Phillippine, họ quan tâm nhiều đến chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, việc ứng dụng mua bán online, thương mại điện tử các sản phẩm chất lượng cao sẽ được ưa chuộng hơn.
Để các sản phẩm từ cây dược liệu đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài, Công ty tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư, trang bị máy móc và xây dựng các chiến lược kinh doanh lâu dài. Thời gian tới, Công ty thực hiện một số dự án mang tính đột phá, tạo “sức bật” cho sản phẩm dược liệu, như: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong việc thử nghiệm trồng cây lan kim tuyến nhân giống In Vitro; phối hợp với huyện Ba Chẽ triển khai nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ cây trà hoa vàng thuộc chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ chiết xuất và sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị đau cơ xương khớp từ một số cây dược liệu…
Không chỉ các sản phẩm của Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc, một số sản phẩm dược liệu khác của tỉnh Quảng Ninh cũng hướng đến xuất khẩu, đáp ứng những nhu cầu khắt khe của thị trường châu Âu. Tiêu biểu nhất là các sản phẩm quế hữu cơ của huyện Đầm Hà, Tiên Yên đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) chứng nhận và đạt điều kiện xuất khẩu sang thị trường này.
Quảng Ninh hiện có hơn 900 loài cây thuốc thuộc 182 họ, 561 chi, trong đó có rất nhiều loài là dược liệu quý, nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 43 sản phẩm OCOP được sản xuất, chế biến từ dược liệu, trong đó có 23 sản phẩm đã được gắn sao. |
Theo ông Hoàng Giang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà, là địa phương có sản lượng khai thác quế khô hàng năm lớn nhất tỉnh (khoảng 650-700 tấn/năm), cao nhất đến 1.000 tấn/năm, huyện Đầm Hà đã xây dựng dự án Organic quế nhằm mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ và châu Âu, đáp ứng khoảng 200 tấn quế khô hữu cơ năm 2021 và sẽ duy trì mở rộng 400-600 tấn quế khô các năm tiếp theo.
Huyện cũng xây dựng hệ thống quản lý, giám sát và đánh giá nội bộ việc tuân thủ các nguyên tắc sản xuất hữu cơ; xây dựng hệ thống thu mua đến từng vùng nguyên liệu. Để phát triển tiềm năng từ cây quế, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT ban hành văn bản về phát triển vùng nguyên liệu Organic quế. Trong đó, giao Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà làm việc, khảo sát, tập huấn, lập hồ sơ, lấy mẫu tại các địa phương có diện tích trồng quế tập trung như Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu.
Nâng cao năng lực cạnh tranh nông sản địa phương
Từ những tiềm năng sẵn có, Quảng Ninh đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng và mở rộng chủng loại cây dược liệu có ưu thế trên địa bàn. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích cây dược liệu đạt trên 16.500ha; trong đó, trên 7.000ha cây hồi, 2.170ha cây ba kích, 1.500ha cây trà hoa vàng, hơn 2.100ha cây dược liệu khác.
UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 260/KH-UBND (ngày 7/11/2022) về việc phát triển chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản gắn với thúc đẩy phát triển thị trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, tập trung phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh đảm bảo chất lượng cao, an toàn thực phẩm, tạo giá trị gia tăng và tham gia vào chuỗi sản phẩm nông sản, thực phẩm bền vững, đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nông sản gắn với mục tiêu phát triển nông sản bền vững; áp dụng khoa học công nghệ, số hóa trong sản xuất, chế biến, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Dược liệu được coi là một trong những sản phẩm thế mạnh của tỉnh, cần được tập trung chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến tổng hợp tạo ra giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích nghiên cứu, tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học có giá trị cao phục vụ ngành dược phẩm, hóa dược…; nghiên cứu thử nghiệm các sản phẩm có giá trị kinh tế từ phụ phẩm dược liệu. Đồng thời, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chế biến quy mô lớn và vừa, gắn với công nghệ tiên tiến, thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ với các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn.
Trước mắt, để có những sản phẩm dược liệu có chất lượng, giá trị cao, tỉnh nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ người dân, các địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nuôi, trồng các giống dược liệu theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế… Trong đó, chủ động liên kết giữa các HTX nông dược trên địa bàn để mở rộng sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu đối với tất cả các vùng nguyên liệu, doanh nghiệp. Từ cuối năm 2019, tỉnh đã thành lập Liên hiệp HTX Nông dược Quảng Ninh với 7 thành viên HTX từ các địa phương: Đông Triều, Hạ Long và Móng Cái. Đây là tổ chức Liên hiệp HTX nông dược đầu tiên trên địa bàn.
Được biết, Liên hiệp đã lựa chọn trồng một số dược liệu chính như: Chùm ngây, sachi, atiso đỏ, mật nhân, trà hoa vàng, bồ công anh… Song song với thu mua sản phẩm nông dược, tổ chức sơ chế, cung cấp các dịch vụ sản phẩm cùng các HTX thành viên, Liên hiệp HTX đã đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ việc trang, sấy dược liệu nhằm hướng đến xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh theo tinh thần liên kết chuỗi giá trị. Đến nay, Liên hiệp đã ký liên kết hợp tác phát triển sản phẩm với Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam); Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công thương); Công ty CP Sachainchi Việt Nam… Gần 20 sản phẩm từ cây dược liệu được sản xuất tạo nên các sản phẩm viên Morinsip, viên bổ dưỡng sachi, tinh chất chùm ngây, rượu nếp cái hoa vàng, tinh chất sachi, nhiều loại trà dược liệu…
Cùng với sự chủ động của tỉnh, các địa phương cũng tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, nâng chất sản phẩm dược liệu. Như tại Ba Chẽ, nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên hết sức độc đáo, mức độ đặc hữu cao. Trong tổng số 1.027 loài thực vật ở Ba Chẽ, có tới 30 loài dược liệu có giá trị cao như ba kích, trà hoa vàng, quế, lan kim tuyến, nấm lim xanh, cát sâm, sâm cau đỏ, đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, địa liền… nằm trong danh sách các loài cây dược liệu đã được điều tra của Bộ Y tế. Vì vậy, Ba Chẽ có tiềm năng rất lớn để thành lập vườn bảo tồn cây dược liệu có giá trị nhằm phát triển vùng nguyên liệu thảo dược phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Vi Thanh Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Ba Chẽ, từ năm 2015, huyện Ba Chẽ đã xây dựng Quy hoạch khu trung tâm sản xuất giống và chế biến tập trung cây trà hoa vàng tại xã Đạp Thanh và hiện đang giao Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh quản lý khu vườn ươm, xưởng chế biến trà, mỗi năm công ty cung ứng được trên 80.000 cây giống trà hoa vàng các loại, chế biến 15,5 tấn lá trà tươi và 1,5 tấn hoa trà tươi. Đồng thời, huyện cũng chủ động kêu gọi thu hút, vận dụng cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi đối với các doanh nghiệp, HTX, cá nhân, hộ gia đình đầu tư trong lĩnh vực phát triển, chế biến dược liệu. Huyện đã ký biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp, như: Công ty CP Dược Trung ương Mediplantex hợp tác trong lĩnh vực trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư vùng trồng dược liệu với quy mô 200ha theo hướng GACP-WHO (Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới).
Với định hướng trở thành trung tâm dược liệu của các tỉnh Đông Bắc nói riêng và của cả nước nói chung, Quảng Ninh đã chủ động bảo tồn, phát huy nguồn dược liệu phong phú, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, xây dựng thương hiệu, từng bước vươn tới xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.