Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Chính phủ, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã tập trung khai thác tối đa nguồn lực, tiềm năng, lợi thế cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Qua đó, đã đạt những thành tựu quan trọng, thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân.
Trồng rau trong nhà lưới theo công nghệ thủy canh tại Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 (TX Đông Triều). |
Ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp hiện được xem là yếu tố then chốt, tác động đến sự phát triển, tính cạnh tranh của sản phẩm. Những năm qua tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng KHCN, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả lao động. Tỉnh đã linh hoạt thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với triển khai có hiệu quả Đề án “Tỉnh Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm” (chương trình OCOP). Qua đó, tập trung nhân rộng mô hình sản xuất, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN mới; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù địa phương, phát triển vùng sản xuất nông sản tập trung áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Quảng Ninh cũng đã tập trung nguồn vốn từ ngân sách để ưu tiên hỗ trợ ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình như trong lĩnh vực trồng trọt, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế của tỉnh; ưu tiên, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích đất , đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng sản phẩm, như mô hình trồng rau thủy canh của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 (TX Đông Triều); Công ty CP Đầu tư Song Hành (TX Quảng Yên)… Các mô hình này tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất không sử dụng hóa chất, phân hóa học, thuốc trừ sâu, đem đến chất lượng rau an toàn, giá trị kinh tế cao hơn. Một số vùng trồng trọt trong tỉnh đã thực hiện quy trình VietGAP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như na, vải thiều Đông Triều, vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí). Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản vùng I (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT) đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 10ha na tại xã Việt Dân, 10ha vải thiều tại xã Bình Khê (TX Đông Triều); 10ha vải chín sớm phường Phương Nam (TP Uông Bí).
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hướng sản xuất là chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang mô hình trang trại, gia trại công nghiệp và công nghệ cao, đa dạng hóa các sản phẩm; đối tượng vật nuôi chủ lực, thứ tự ưu tiên là lợn, gà, bò thịt, bò sữa. Trong lĩnh vực thuỷ sản, tỉnh tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực, đặc biệt nuôi trồng hải sản trên biển, bền vững, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Nuôi tôm thương phẩm tại huyện Đầm Hà của Công ty CP Thủy sản Việt – Úc. Ảnh: Mạnh Trường |
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã triển khai 2 dự án, đề án lớn trong lĩnh vực giống thủy sản, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, là: Dự án hạ tầng Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà. Trong đó, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh được khởi động từ năm 2018, trên cơ sở nâng cấp dự án sản xuất giống, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính tại xã Tân Lập và xã Đầm Hà, của Tập đoàn Việt – Úc, đã đi vào vận hành, xuất xưởng hàng triệu con tôm giống thẻ chân trắng, đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao tại chỗ phục vụ người nuôi tôm trong tỉnh.
Đến nay, nhiều lĩnh vực ứng dụng KHCN vào sản xuất đạt hiệu quả cao, như: Nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống nuôi tôm tuần hoàn trong nhà; sản xuất giống hoa lan cao cấp bằng công nghệ invitro và kiểm soát môi trường tự động của Đài Loan; sản xuất rau, quả bằng công nghệ Israel tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn cung cấp trong hệ thống BigC, Vinmart, Lotte…
Theo ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT: Hiện đại hoá ngành Nông nghiệp, Quảng Ninh đang đi đúng hướng, bước đầu đạt được hiệu quả. Đây là tiền đề để tỉnh nâng tỷ trọng, giá trị kinh tế, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và giàu có, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Đề án tái cơ cấu ngành, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích và tập trung nguồn lực đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, tìm kiếm công nghệ phù hợp với nhu cầu; mở rộng liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư, để nông nghiệp thực sự thay đổi cả về chất và lượng.
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn