Sản phẩm nông sản nâng được sức cạnh tranh hay không, phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng thương hiệu. Theo các chuyên gia nông nghiệp, thiệt thòi lớn nhất của nông sản Việt Nam là khi xuất khẩu ra thị trường thế giới lại không được mang thương hiệu Việt vì chúng ta chưa biết cách xây dựng và giữ thương hiệu.
80% nông sản xuất khẩu không mang thương hiệu
Ngày càng có nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam chinh phục được thị trường thế giới, trong đó phải kể đến các loại trái cây như xoài, thanh long, nhãn, vải… Các sản phẩm nông sản khác như cà phê, hồ tiêu cũng là thế mạnh của Việt Nam, được thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, có một điểm nghẽn lâu nay của ngành nông sản nước nhà, đó là chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu thô, chưa xây dựng được thương hiệu nên giá trị gia tăng thấp. Thiệt thòi hơn khi chúng ta không xây dựng được thương hiệu, nhiều sản phẩm nông sản của nước nhà đã phải “đội lốt” dán nhãn mác các doanh nghiệp (DN) nước ngoài.
Nâng sức cạnh tranh nông sản Việt phụ thuộc lớn vào xây dựng thương hiệu. |
Giới chuyên gia nhận định, khi các DN trong ngành chưa chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, thì nông sản Việt vẫn mãi chỉ “núp bóng” dưới danh nghĩa của những DN khác. TS Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhiều lần nêu quan điểm rằng, phần lớn mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn là xuất thô, chưa có thương hiệu và đây chính là rào cản khiến nông sản Việt luôn rơi vào thế bị động, giảm giá trị trên thị trường thế giới.
Là một trong những người đau đáu với câu chuyện xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh – Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), chỉ có phát triển thương hiệu một cách mạnh mẽ và bền vững, nông sản Việt mới có thể trụ vững trên thị trường quốc tế, thương hiệu nông sản mạnh thì sức cạnh tranh của nông sản Việt sẽ được nâng lên.
Phải phát triển bằng được, nếu không muốn thua thiệt
Theo ông Thịnh, hiện nay phần lớn nông sản trong nước khi xuất khẩu không được mang thương hiệu của đơn vị sản xuất, chế biến, phân phối mà chỉ được gắn mác “Made in Vietnam”. Điều này ẩn chứa rủi ro rất lớn. “Ví dụ, nếu 100 DN cùng sản xuất, chỉ cần 1 DN có vấn đề là cả ngành nông nghiệp Việt Nam bị tai tiếng. Bởi vì người ta không lọc ra được đó là sản phẩm của DN nào, người ta chỉ biết đó là nông sản của Việt Nam” – ông Thịnh phân tích. Do vậy, câu chuyện nhận diện và phát triển thương hiệu có ý nghĩa rất lớn đối với xuất khẩu nông sản, khẳng định vị thế của sản phẩm nông sản ra thị trường thế giới.
Chúng ta đã có nhiều bài học cay đắng chỉ vì DN không chú trọng xây dựng thương hiệu khiến cho nhiều sản phẩm nông sản Việt bị rơi vào tay của các DN nước ngoài. Những sản phẩm như kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc… đã từng nhận được những bài học này. Hay như câu chuyện 10 năm về trước, Việt Nam đã bàn về xây dựng và phát triển thương hiệu cá tra Việt Nam nhưng đến nay vẫn không được.
Theo giới chuyên gia, để phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, cần sự tham gia của nhiều chủ thể, như các DN trực tiếp cung ứng nông sản; các tổ chức, tập thể gồm hiệp hội, hợp tác xã; chủ sở hữu của các nhãn hiệu chứng nhận… “Ta cứ nhìn 1 USD xuất khẩu nông sản thì người nông dân được hưởng bao nhiêu phần trăm trong đó. Vậy nên, phát triển thương hiệu cho nông sản là một giải pháp thúc đẩy và gia tăng giá trị nông sản dựa vào xuất khẩu” – ông Thịnh nói.
Với những nhận định nói trên, vị chuyên gia nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận khác đi, quyết liệt hơn với vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu, bởi đó là hình ảnh của quốc gia, của ngành hàng chứ không chỉ đơn thuần của một vài DN”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để các sản phẩm nông sản Việt đi xa hơn nữa, tiếp cận được các thị trường khó tính trên thế giới, xây dựng thương hiệu chính là yếu tố quyết định cho “tham vọng tiến xa” của nông sản Việt. Chính bởi vậy, các DN Việt Nam cần phải chú trọng đầu tư vào khâu xây dựng thương hiệu cũng như bảo vệ bằng được thương hiệu mà mình đã gây dựng.
Theo Minh Phương ( Báo Đại đoàn kết)