Nước mơ Yên Tử

Được chiết xuất từ quả mơ Yên Tử, có màu vàng mật ngon mắt, có vị thơm, ngọt của mơ chín, đã khát, tốt cho sức khoẻ… là những đặc trưng của nước mơ muối. Sản phẩm được chiết xuất từ quả mơ Yên Tử nức tiếng trên dây chuyền công nghệ hiện đại của Xí nghiệp Bia Thăng Long (Yên Thanh, Uông Bí).

Sản phẩm nước mơ tươi đóng lọ của Xí nghiệp Bia Thăng Long.
Sản phẩm nước mơ tươi đóng lọ của Xí nghiệp Bia Thăng Long.

Với người hành hương, mơ Yên Tử là món quà ý nghĩa. Theo Đông y, quả mơ có tác dụng chữa đầy bụng, chán ăn, giải ngộ độc thức ăn cấp độ nhẹ, chống lão hoá cơ thể. Nước mơ có tác dụng thanh nhiệt, chống mệt mỏi, giảm mồ hôi, giải cảm. Vì thế, Yên Tử từ lâu đã trở thành “đất mơ” với nhiều rừng mơ ven đồi, núi ở các khu vực Nam Mẫu, Thượng Yên Công…

Chia sẻ về ý tưởng sản xuất loại nước giải khát đặc biệt này, anh Khúc Đình Phương, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật, Xí nghiệp Bia Thăng Long cho biết: Mơ Yên Tử vốn khác nhiều giống mơ nhiều nơi, nhiều nước. Tuy không to nhưng mơ Yên Tử lại có màu vàng ươm đẹp mắt, hương thơm, vị mát đặc trưng khi trái chín. Mơ có một lớp lông mỏng trên bề mặt. Chỉ ngâm theo cách dân gian đã trở thành một thứ nước giải khát thơm, ngon, hấp dẫn.

Theo đó, từ năm 2007, Xí nghiệp Bia Thăng Long đã tiến hành nghiên cứu và thành công trong chiết xuất tinh chất từ trái mơ làm nguyên liệu chính pha chế, sản xuất nước giải khát. Với nền tảng công nghệ, thiết bị chiết, lọc hiện đại trong chế biến nước giải khát của Cộng hoà Séc, Xí nghiệp đã nghiên cứu thành công trong phát hiện chế biến, chiết xuất mơ tinh chất cũng như tìm ra quy trình chế biến nước giải khát từ mơ.

Mơ Yên Tử, đặc biệt mơ vào tháng 4, 5 dương lịch căng mọng, chín rộ, sản lượng lớn. Mơ được đưa về, trải qua khâu sơ chế, loại bỏ những trái dập, hỏng, rồi loại bỏ cuống. Đây là khâu đơn giản nhưng bắt buộc phải làm thủ công, bởi nếu sót cuống sẽ làm hỏng, chát nước cốt mơ. Sau đó, mơ được rửa sạch 2 lần, rửa tiếp bằng dung dịch sát trùng và tráng rửa bằng nước lọc R.O. Sau khi để ráo, mơ được ngâm với đường theo tỷ lệ nhất định trong thời gian 3-6 tháng trở lên rồi tách lấy nước cốt. Sau đó, nước cốt được đưa vào bảo quản làm lạnh ở điều kiện 0-1oC nhằm tách vi sinh vật, men tự nhiên trong quả, ổn định chất lượng, giữ được hương vị tự nhiên. Sau đó, nước cốt mơ được pha chế với nước lọc, muối theo một tỷ lệ nhất định rồi bảo quản và phân phối dùng lạnh.

Mô hình khuôn viên trồng mơ Yên Tử, tháp chiết xuất, bảo quản được Xí nghiệp Bia Thăng Long cho phép du khách tham quan thực tế.
Mô hình khuôn viên trồng mơ Yên Tử, tháp chiết xuất, bảo quản được Xí nghiệp Bia Thăng Long cho phép du khách tham quan thực tế.

Khác với cách ngâm truyền thống, màu, mùi vị mơ Yên Tử không bị đổi sẫm, lên men khi để lâu. Nước mơ luôn giữ màu vàng ươm như mật, vị thơm, độ ngọt mặn, chua vừa phải. Vì thế nước mơ Yên Tử rất “đã khát” ngay khi thử ngụm đầu tiên.

Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiện Xí nghiệp Bia Thăng Long đã, đang đầu tư trên 6 tỷ đồng cho hệ thống máy lọc nước, máy lọc theo công nghệ sản xuất nước giải khát của Cộng hoà Séc, kho lạnh, máy đóng chai và hệ thống nhà xưởng trên 6.000m2. Hiện nhiều khâu sản xuất được thực hiện tự động, hiện đại hoá, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nước mơ Yên Tử của Xí nghiệp Bia Thăng Long đã được công nhận là sản phẩm OCOP và được cấp chứng chỉ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm nước mơ muối được phân phối dưới dạng sản phẩm bảo quản lạnh. “Trong tương lai, đơn vị sẽ hoàn thiện thiết kế bao bì, chuyển giao công nghệ sản xuất, trang sắm thiết bị bảo quản cho các cơ sở đại lý… mở rộng thị trường, đưa sản phẩm đi xa hơn” – anh Khúc Đình Phương cho biết.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh