Tôm khô Vân Đồn

Từ nguồn hải sản phong phú, sẵn có, ngư dân xã Hạ Long (Vân Đồn) đã tìm tòi, sáng tạo ra cách thức chế biến tôm đất (hay tôm sắt) thành đặc sản tôm khô, được thực khách mọi miền ưa chuộng. Chế biến tôm trở thành nghề truyền thống và tôm khô cũng là sản phẩm OCOP của huyện Vân Đồn.

Chị Liên kiểm tra trọng lượng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Chị Liên kiểm tra trọng lượng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Đến thôn 11, xã Hạ Long, chúng tôi được cán bộ Hội Nông dân xã dẫn đi tham quan, giới thiệu về nghề chế biến tôm khô. Theo những lão ngư thì đây là nghề truyền thống có từ lâu ở địa phương, phát triển mạnh từ những năm 1994. Xưa tôm được ngư dân đánh bắt về, dùng không hết nên nghĩ ra việc bảo quản bằng cách bóc vỏ, phơi khô để ăn dần. Với nguồn cung cấp nguyên liệu phong phú, sẵn có, nhiều hộ đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, đầu tư máy móc, nhà xưởng chế biến ra sản phẩm này. Ngon, dễ tiêu thụ, tôm khô trở thành mặt hàng bán rất chạy. Nhiều xưởng sản xuất quy mô đã mọc lên. Tôm khô xã Hạ Long cũng có tiếng từ đó.

Chị Phạm Thị Liên, một trong những hộ sản xuất tôm khô lâu năm, với trên 21 năm kinh nghiệm chia sẻ: Từ lâu sản phẩm tôm khô có tiếng bởi được chế biến công phu, từ nguồn nguyên liệu dồi dào, tươi, ngon. Tôm được đánh bắt ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ (ở biển Cô Tô, đảo Mai, đảo Trần, Vĩnh Thực)… thường có vị ngọt lại mềm hơn vùng khác. Đây là một lợi thế không nhỏ để tôm khô ở đây sớm khẳng định thương hiệu, hương vị riêng.

Tôm khô sau khi được chế biến được chị Liên đưa vào kho lạnh bảo quản rồi mới xuất bán.
Tôm khô sau khi được chế biến được chị Liên đưa vào kho lạnh bảo quản rồi mới xuất bán.

Ngoài ra, để chiếm được cảm tình của khách hàng, theo chị Liên, tôm khô xã Hạ Long được chọn lọc, chế biến qua nhiều khâu, nhiều bước khá nghiêm ngặt… Trước hết, tôm được lựa chọn là tôm sắt (hay còn gọi là tôm đất). Thông thường, hai thời điểm ngư dân tập trung chế biến là: Tháng 9 đến tháng 11 và tháng 4 đến tháng 8 hàng năm là mùa tôm nhiều và béo. Nhưng để có tôm ngon, các hộ đều hợp đồng và yêu cầu các tàu ướp đủ đá ngay sau khi đánh lên ở mẻ lưới đêm. Tôm được chuyển vào bờ đến xưởng chế biến phải đảm bảo không khô, không đen, rụng đầu, không gãy ngang…

Sau đó tôm được rửa sạch nhiều lần, rồi dùng máy bơm phun cho sạch đất, cát rồi mới mang đi luộc chín. Tiếp theo, tôm được múc ra để ráo nước, sấy khô rồi mang xát vỏ… “Để tôm ngon phải luộc đủ chín, sấy ở nhiệt độ cao đủ để tôm khô róc cho tới khi thịt tôm không dính vỏ, ráo là đạt yêu cầu. Chúng tôi không dùng cách phơi nắng truyền thống bởi nhiệt độ nắng không đủ nóng, dễ làm mất độ ngọt, giòn và màu của tôm” – chị Liên cho biết.

Cuối cùng, tôm tiếp tục được lên máy sàng, lọc rồi cho vào máy sát vỏ, máy thổi vỏ. Ở khâu cuối này, những con chưa đủ khô tiếp tục được loại ra, đem sấy lại cho tới khi đạt. Chính vì thế tôm khô thành phẩm phải đạt được độ săn chắc, giòn nhất định, có màu sắc đỏ tươi, không có mùi ôi, khó ngửi. Tôm khô được bảo quản lạnh, có thể để được nhiều tháng mà vẫn giữ được vị ngọt, thơm và chất dinh dưỡng. Vì thế, sản phẩm được bán lẻ hay xuất khẩu đều rất chạy. Tôm khô Vân Đồn đã được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2016.

“Để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia đình tôi đã đầu tư nhà xưởng rộng trên 500m2, hệ thống máy móc, thiết bị trị giá trên 500 triệu đồng. Tuy nhiên sản xuất mặt hàng này cần khá nhiều vốn để mua nguyên liệu, đầu tư thiết bị máy móc mới bằng inox. Thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư nâng cấp dây chuyền, cải tiến mẫu mã sản phẩm. Chính vì thế chúng tôi mong muốn được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước về vốn, quảng bá sản phẩm hơn nữa” – chị Liên chia sẻ về dự định trong tương lai của gia đình.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh