Mía tím Quảng Ninh

BÀI GIỚI THIỆU VỀ SẢN PHẨM MÍA TÍM QUẢNG NINH

             Mía tím là cây trồng đã khẳng định được vị trí và ưu thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh. Sản xuất mía tím hàng hóa của tỉnh Quảng Ninh tập trung chủ yếu tại 4 huyện Hoàng Bồ, Hải Hà, Đầm Hà và Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh cụ thể: Huyện Hải Hà: 120 ha (năm 2012), Huyện Hoàng Bồ: 70 ha (năm 2012), Huyện Đầm Hà: 34 ha (năm 2012), Huyện Ba Chẽ: 42,5 ha (năm 2012)

Mía tím khá phù hợp với điều kiện sinh thái (nông hóa, thổ nhưỡng, khí hậu…) của nhiều xã tại các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Hoành Bồ và Ba Chẽ, diện tích khá ổn định và có xu thế tăng nhẹ.          Tính chất đặc trưng của mía tím Quảng Ninh là lóng mía ngắn, ăn mềm  mà những sản phẩm cùng loại khác không có, tạo nên danh tiếng của mía tím Quảng Ninh.

Sản phẩm mía tím Quảng Ninh đã được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Mía tím Quảng Ninh” số 221460 theo Quyết định số 15063/QĐ-SHTT ngày 18 tháng 03 năm 2014 do Hội sản xuất và kinh doanh mía Quảng Ninh là chủ sở hữu.

Chất lượng cảm quan của “Mía tím Quảng Ninh

  • Màu sắc vỏ cây: Tím đậm
  • Mùi: Thơm
  • Độ ngọt: Ngọt mát, không chua
  • Độ mềm: Mềm, dễ phá vỡ cấu trúc khi ăn
  • Độ xốp: Chắc, không có hiện tượng bấc
  • Dáng cây: Thẳng, các lóng tròn đều

Bảng Tiêu chuẩn chất lượng lý hóa và ATTP của Mía tím Quảng Ninh

TT Chỉ tiêu ĐVT Chỉ số Phương pháp thử
1 Trọng lượng cây (bỏ mấu) kg 2.43± 0.5 Cân
2 Brix Br0 19.2 ±0.98 TCVN 7771: 2007
3 Chất khô % 21.9  ± 1.18 TCVN 5366 – 91
4 Đường tổng số % 15.97 ± 0.74 TCVN 4594 – 88
5 Axit hữu cơ % 0.04 ± 0.02 TCVN 5483 -1991
6 Dư lượng thuốc BVTV KPH TCVN 5142 : 2008
7 Chì mg/kg <0.05 TCVN 7766 : 2007
8 Asen mg/kg KPH TCVN 7770:2007

Ghi chú: KPH (không phát hiện)

Để phát triển thị trường tiêu thụ cho “Mía tím Quảng Ninh” cần tìm ra phương thức có ưu thế hơn so với đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, việc đa dạng hình thức tiêu thụ mía tím Quảng Ninh bằng các dòng sản phẩm khác nhau (nguyên cây truyền thống, cắt khúc, ăn liền hút chân không, ăn liền đóng gói) và áp dụng các trang thiết bị và công nghệ sơ chế, chế biến sản phẩm cho phép tạo ra các dòng sản phẩm mới này là cần thiết. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp đã tiến hành hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế và văn phòng làm việc cho Hội với các máy móc thiết bị, phục vụ việc sơ chế chế biến mía tím.

   
Mẫu nhãn hiệu đã được bảo hộ Mẫu bao bì mía tím